Đó là nội dung được các đại biểu nhắc tới trong tọa đàm về luật Điện ảnh sửa đổi đối với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam diễn ra chiều 15.10.
Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân và Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông phối hợp tổ chức. TS Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, đưa ra mô hình nhiều nghề phụ trợ cho công nghiệp điện ảnh. Và ở đó, theo ông, rất cần việc cụ thể hóa dịch vụ điện ảnh nào cần xin phép, dịch vụ nào không. “Việc sản xuất phim trọn gói khác, hay chỉ một phần như làm hậu kỳ, âm thanh ánh sáng, hoặc làm phụ đề cũng rất khác. Sẽ có một số việc có quy định cần giấy phép thì vẫn không thực thi được. Chẳng hạn họ gửi phim sang, ta làm phụ đề gửi đi thì có thể không ai biết được”, ông Đồng băn khoăn.
Đoàn làm phim bom tấn Kong: Skull Island (Mỹ) đến Quảng Bình để thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam hồi năm 2016 T.Q.NAM
TS Đồng cũng cho rằng công nghiệp điện ảnh đang phát triển kiểu “kim tự tháp ngược”, nghĩa là nhà nước đang thiếu chính sách thúc đẩy “nền móng” - hệ sinh thái dịch vụ phim cũng như hệ sinh thái sáng tạo nội dung. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nhận định sự phát triển của các công nghiệp phụ trợ này ngày càng mạnh và điều đó cũng thể hiện rõ trong các phim. “Trước đây chỉ hình dung là có dăm ngành, bây giờ cả trăm ngành. Cứ nhìn phần generic (thông tin giới thiệu ê kíp làm phim) có thể thấy rất rõ, rất dài”, bà Hà nói.
Bà Phương Thảo (Thảo Lê Entertainment) thì cho biết đơn vị của bà đã hoạt động 25 năm ở Việt Nam, đưa nhiều chương trình truyền hình và phim nước ngoài về trong nước. “Chúng ta chỉ là đơn vị riêng lẻ trong thế giới mà các nước khác đã liên kết thành tổng thể”, bà Thảo nói sau khi chia sẻ về việc nhiều đoàn phim nước ngoài do giấy phép làm lâu mà khó vào Việt Nam.
Nên có cơ chế tự phân loại phim phát trực tuyến
TS Nguyễn Quang Đồng cũng nêu ra nhiều vấn đề đang tồn tại trong quy định của luật Điện ảnh. Chẳng hạn, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ phim cho nước ngoài, không nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp tham gia phải có kịch bản phim bằng tiếng Việt; việc yêu cầu doanh nghiệp đóng quỹ phát triển điện ảnh cũng nên cân nhắc. Ông cũng đề nghị xem lại quy định tỷ lệ phim Việt Nam trên các nền tảng truyền hình nước ngoài…
Trong khi đó, ông Fraser Thompson (Công ty Alpha Beta từ Singapore) lại dành nhiều thời lượng để nói về truyền hình trực tuyến theo yêu cầu (VOD). Theo ông, đây là một phần vô cùng quan trọng của kinh tế sáng tạo trong tương lai. Khả năng phát triển dịch vụ này ở Việt Nam cũng rất lớn. Chính vì thế, ông Thompson đưa ra một số đề xuất để phát triển dịch vụ này. Chẳng hạn, cần phát triển các giải pháp tự phân loại theo tiêu chí phân loại được chuẩn hóa nói chung, bởi nó phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới.
Ông Fraser Thompson cho biết Singapore bỏ khâu kiểm duyệt phim, chuyển sang phân loại phim. Họ có cho cơ chế tự phân loại với sản phẩm VOD, qua đó, nhà sản xuất tự phân loại, giảm thiểu gánh nặng của cơ quan quản lý nhà nước. “Phim được tự phân loại và tự chịu trách nhiệm”, ông nói và thông tin thêm ASEAN có xây dựng bộ quy tắc về các sản phẩm VOD. Những đơn vị trong ngành cũng tự xây dựng bộ quy tắc để góp ý với đơn vị quản lý nhà nước.
Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cũng cho biết việc sửa đổi luật Điện ảnh hướng tới việc tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành vừa là ngành sáng tạo, vừa là kinh tế, đồng thời nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Theo Trinh Nguyễn/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/can-linh-hoat-de-luat-dien-anh-thuc-thi-duoc-post1391464.html