Nhiều bộ phim truyền hình hiện nay được thực hiện theo cách vừa quay vừa viết kịch bản. Trong số đó, không ít kịch bản phim đã được thay đổi vào… phút chót theo những mong muốn, chờ đợi của khán giả.
Sửa kịch bản lúc nửa đêm
Bộ phim Ngày mai bình yên do Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, vừa khép lại 18 tập phim trên sóng VTV3. Mang tinh thần giống với Những ngày không quên (được phát sóng vào tháng 6.2020 trên kênh VTV1), Ngày mai bình yên xoay quanh chủ đề cuộc sống, xã hội thời Covid-19, đồng thời lan tỏa những thông điệp tích cực, tinh thần lạc quan, niềm tin tới người dân vào thời điểm dịch bệnh khó khăn.
Đây cũng là bộ phim được làm với khoảng thời gian “thần tốc”, từ khi có ý tưởng, đến lúc bắt đầu viết kịch bản và khai máy chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 10 ngày và phim được quay trong vòng 40 ngày vào thời điểm Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội. Đạo diễn của bộ phim Ngày mai bình yên - NSƯT Vũ Trường Khoa, cho hay khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, đoàn phim nhận được “lệnh” thực hiện phim khá gấp, và ngay sau đó, công tác triển khai kịch bản đã được gấp rút thực hiện để kịp với tiến độ sản xuất.
Ngày mai bình yên xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Phát. Là chủ một doanh nghiệp xây dựng, ông Phát vừa phải chật vật, căng mình để duy trì hoạt động công ty, tìm cách lo liệu cho nhân viên, vừa phải làm quen với “trạng thái bình thường mới”. Con gái cả của ông bị mất việc ở công ty du lịch, con gái út thì phải ở nhà học trực tuyến. Bố và em trai ông từ quê lên bị “mắc kẹt” ở lại do quy định giãn cách xã hội…
Đoàn phim Cô gái nhà người ta từng nín thở để chờ kịch bản được hoàn thành
Những câu chuyện xảy ra trong nhiều gia đình Việt vào đúng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài đã được ê kíp biên tập - biên kịch đưa vào phim. Kịch bản vừa được sáng tác khi phim vừa được quay và vừa lên sóng. Đến giờ, biên tập của phim Ngày mai bình yên Lại Phương Thảo vẫn không thể quên những cuộc điện thoại đến vào lúc nửa đêm trao đổi về kịch bản. “Có những email về kịch bản được gửi đi lúc 2 - 3 giờ sáng. Tưởng đã được thở phào, nằm xuống ngủ thì lại nhận được ngay email phản hồi”, cô chia sẻ và cho hay có lúc cảm thấy mệt mỏi, áp lực, nhưng nhìn sang bên cạnh thấy mọi người vẫn đang “chạy và chạy”, thế là lại lên tinh thần và tiếp tục.
Tăng tương tác và tôn trọng khán giả
Không chỉ ở những dự án mang tính thời sự, cần được thực hiện gấp rút, mà đa số phim truyền hình Việt hiện nay được quay trong khi kịch bản vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Trong quá trình đó, diễn viên có khi chẳng thể biết trước số phận nhân vật mình đi về đâu; hay phim không kết thúc như kịch bản ban đầu mà được thay đổi theo như mong muốn của khán giả… Bên cạnh đó, trong nhiều dự án phim truyền hình, dù kịch bản đã hoàn chỉnh, nhưng do hiệu ứng của khán giả với phim lớn, ê kíp biên tập - biên kịch sẽ tiếp tục viết thêm để kéo dài nội dung phim hoặc coi như là phần tiếp theo của phim.
Bộ phim Ngày mai bình yên được phát sóng trong lúc vừa viết kịch bản vừa quay
“Việc vừa viết kịch bản vừa quay phim là xu hướng của phim truyền hình thế giới để tăng tính tương tác với người xem”, đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh nhìn nhận và phân tích: “Một mặt, cách làm như vậy để bộ phim được khán giả tiếp nhận tốt hơn. Mặt khác, cũng là cách nhà làm phim tôn trọng khán giả. Tức là, ngoài việc biết khán giả muốn gì, nhà làm phim đưa cho họ những “món ăn” tốt nhất để họ có thể cảm thấy thỏa mãn”.
Biên kịch Huyền Lê cho hay thông thường, với những bộ phim truyền hình dài hàng chục tập, khi có kịch bản được khoảng 10 tập hoặc ít hơn thì đoàn làm phim đã lên đường đi quay. “Tất nhiên, trước đó, nội dung chính, bộ khung của kịch bản đã phải có sẵn để ê kíp hình dung trước khi bấm máy rồi”, chị nói và cho biết: “Việc vừa viết kịch bản vừa quay thuận lợi cho việc chỉnh sửa, thay đổi và thú vị với ngay cả người viết vì không biết mình sẽ đi đến đâu, ngay cả ê kíp làm phim ở hiện trường cũng sẽ thấy tò mò và hồi hộp”.
Tuy nhiên, việc vừa quay vừa viết cũng đi kèm với áp lực cho nhà làm phim, hay biên kịch. Ở vị trí người xây dựng kịch bản, biên kịch Huyền Lê cho rằng: “Áp lực lớn nhất là thời gian và năng lượng sáng tạo”. “Khi đã vào guồng, phim đã quay đồng nghĩa với việc mình không thể dừng, không thể để ảnh hưởng đến cả đoàn phim”, chị nói và nhắc lại kỷ niệm khó quên, đó là khoảng thời gian bộ phim Cô gái nhà người ta được thực hiện cũng trùng với khoảng thời gian chị mang bầu những tháng cuối. “Khi viết được kịch bản 2/3 phim Cô gái nhà người ta, tôi sinh em bé thứ hai. Tôi hiểu là cả ê kíp đã nín thở để chờ tôi. Nhờ người viết khác cũng được, nhưng việc chắp nối người này với người kia sẽ dễ có độ vênh, nên thường là mình làm nốt”, chị kể.
Đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh cho hay trước đây, thời gian dành cho viết kịch bản có khi tới hàng tháng, nhưng giờ có thể tính theo từng tuần, thậm chí từng ngày để đạt được tiến độ cho đoàn phim quay. Ngoài ra, đi theo xu hướng này, nhà làm phim trong nước phải vất vả hơn, dành nhiều tâm huyết, sáng tạo hơn, bởi “điều kiện sản xuất phim truyền hình của Việt Nam chưa thể tốt như những cường quốc về ngành này như Mỹ, hay Hàn Quốc vì họ có sẵn nhiều trường quay và những cơ sở vật chất khác”, đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh bày tỏ.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/phim-vua-quay-vua-viet-kich-ban-post1389563.html