Giới làm phim đề xuất "luồng xanh" dành riêng cho các phim Việt Nam được mời dự liên hoan phim uy tín của thế giới. Đó là tấm thẻ visa để phim bước ra quốc tế và không liên quan đến giấy phép phát hành tại Việt Nam.
Êkip phim Vị từng bị phạt 35 triệu đồng vì chưa xin phép phát hành sau khi đoạt giải tại LHP Berlin, thắng giải Dự án hứa hẹn nhất tại LHP Quốc tế Singapore
Hôm 27-9, nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo (phim Vị) cho biết từ bỏ quyền sở hữu, do đó Vị không còn là phim Việt Nam mà thuộc sở hữu chính của nhà sản xuất Singapore. Động thái này được hiểu nôm na là phim "từ bỏ quốc tịch Việt Nam", là nỗ lực để "cứu" phim Vị.
Về việc này, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - nói với Tuổi Trẻ: "Thông tin đó chúng tôi chỉ biết qua báo chí. Chúng tôi đã đề nghị nhà sản xuất Phương Thảo có văn bản giải trình".
Đề xuất "luồng xanh" cho phim dự liên hoan phim
Trong mắt giới làm phim, Vị là trường hợp thiếu may mắn so với Ròm khi khó còn cơ hội được cấp phép phát hành tại Việt Nam. Nếu Ròm chấp nhận chỉnh sửa và qua kiểm duyệt thì Vị rơi vào hoàn cảnh không thể chỉnh sửa.
Khả năng "hồi tố" của phim Vị cũng là vấn đề được quan tâm. Đạo diễn Phan Đăng Di phủ nhận khả năng này vì trong dự thảo hiện tại, việc hội đồng duyệt xét lại là không được phép.
Nhưng chuyên gia pháp luật Fushihara Hirota (Nhật Bản) bổ sung rằng trong luật, việc khiếu nại để thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính là được phép. Điều đó không có nghĩa quyết định đó sai luật, mà chỉ là không còn phù hợp ở thời điểm mới.
Nhà sản xuất Phương Thảo cho biết chị và đạo diễn Lê Bảo mong "một cơ hội sống cho phim", tức được cấp phép tham dự các liên hoan phim quốc tế, nhưng điều này cũng khá mong manh.
Không riêng Vị mà với các phim Việt Nam được mời dự liên hoan phim quốc tế nói chung, giới làm phim đồng tình đưa ra kiến nghị có thêm giấy phép tham gia liên hoan phim quốc tế ở nước ngoài, tách biệt với giấy phép phổ biến phim trong nước.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - thành viên Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - gọi đây là "visa" cho phim Việt đi nước ngoài.
Chị đề xuất: "Tôi muốn vận động một cơ chế riêng cho các phim Việt Nam được các liên hoan phim quốc tế uy tín lựa chọn.
Tôi đề xuất thành lập một hội đồng phi lợi nhuận, hoạt động theo bộ tiêu chí riêng để cấp "visa" cho phim được chiếu tại liên hoan phim quốc tế ngay cả khi phim đó chưa được duyệt xong bản cuối cùng.
"Visa" này không có giá trị như giấy phép phổ biến ở Việt Nam hiện nay nhưng sẽ giúp phim có thể tham gia liên hoan phim ở các quốc gia khác".
Những chữ ký tượng trưng cho quyết tâm đóng góp ý kiến vì tương lai một nền điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh: Xine House
Nên đổi tên thành Hội đồng đạo đức
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng khẳng định dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) làm khó nhiều bên nên cần điều chỉnh, chứ không nên tập trung vào việc đổ lỗi. "Riêng trường hợp Vị, không nên đổ hết trách nhiệm lên đầu hội đồng duyệt nhiệm kỳ này" - chị nói.
Trong bản kiến nghị của giới làm phim, có đề xuất đáng chú ý: Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay nên đổi tên thành Hội đồng đạo đức điện ảnh và chỉ thực hiện thẩm định, phân loại độ tuổi phim thay vì cấm phim.
Đạo diễn Phan Đăng Di, người soạn kiến nghị, cho rằng: "Hội đồng cần đảm bảo phần lớn thành viên là những người có chuyên môn về điện ảnh. Có ít nhất 2 hội đồng duyệt trung ương ở Hà Nội và TP.HCM. Cần công bố công khai mọi ghi chép, lời nói, căn cứ để hội đồng đưa ra kết quả phân loại".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội phụ trách Luật điện ảnh - nhận xét về buổi góp ý của giới làm phim: "Ý kiến của các nhà làm phim, nhà sản xuất, biên kịch... đều rất hữu ích, giúp cơ quan soạn thảo luật có hướng tháo gỡ để giúp điện ảnh Việt Nam phát triển.
Tôi muốn kiến nghị của các nhà làm phim phải cụ thể hơn nữa chứ không chỉ như hôm qua. Cần kiến nghị điều nào phải sửa, sửa như thế nào.
Xây dựng luật cần cụ thể hóa toàn bộ khó khăn, thách thức, cản trở để làm sao luật giải quyết được những việc đó. Tôi mong bộ luật sắp tới có cách tiếp cận mới: điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa".
Ông Sơn mong Luật điện ảnh mới sẽ khắc phục những điểm nghẽn, tạo điều kiện cho điện ảnh Việt Nam thể hiện hình ảnh quốc gia mạnh mẽ hơn, thể hiện sức mạnh nội sinh của quốc gia và lan tỏa cho các lĩnh vực khác cùng phát triển.
"Rác điện ảnh" hay định kiến nặng nề? Hôm 27-9, cộng đồng mạng lật lại việc phim bị cấm chiếu do "cảnh khỏa thân trực diện hơn 30 phút". Một fanpage dùng từ "rác điện ảnh" để nói về bộ phim, cho rằng cấm chiếu là hợp lý. Một bình luận đặt câu hỏi phim "phải rác rưởi như thế nào mới bị như thế?". Những ý kiến này đều nhận được nhiều sự đồng tình từ cư dân mạng. Ở phía ngược lại, anh Nguyễn Tuấn - một người làm truyền thông - cho rằng: "Các bạn chưa xem phim, chưa biết ý đồ của đạo diễn nhưng bình luận rất gay gắt, nặng nề. Tôi nghĩ có thể ngôn ngữ điện ảnh của phim chưa phù hợp với lối nghĩ của nhiều người Việt. Tính thể nghiệm, đề tài gai góc, những hình ảnh gây sốc dễ gặp phải định kiến". |
Theo Mi Ly/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/co-hoi-nao-cho-phim-viet-bi-cam-chieu-visa-luong-xanh-buoc-ra-lien-hoan-phim-quoc-te-duoc-khong-20210928101141455.htm