Diễn viên Mạnh Trường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu những tài liệu quý giá về Bác Hồ. Anh nhớ nhất lời dặn của đạo diễn, thần thái phải giống với Bác, đặc biệt, đôi mắt luôn phải sáng.
Mới đây, nam diễn viên Việt Anh tham gia chương trình Ai là triệu phú và nhận được câu hỏi có nội dung như sau: "Diễn viên nào đóng vai Bác Hồ trong bộ phim lịch sử Thầu Chín ở Xiêm". 4 lựa chọn được chương trình đưa ra là: NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Trần Lực, diễn viên Hồng Đăng, diễn viên Mạnh Trường.
Diễn viên Việt Anh đã dùng quyền trợ giúp gọi điện thoại cho người thân. Và người mà anh gọi xin cứu trợ chính là diễn viên Mạnh Trường - một trong những nhân vật được nhắc tới ở đáp án. Khi nhận được cuộc gọi, Mạnh Trường chia sẻ: "Em, em, em nhớ".
Sau chia sẻ của Mạnh Trường, rất nhiều khán giả trẻ đã tìm và xem lại những thước phim ý nghĩa này.
Diễn viên Mạnh Trường trong phim "Thầu Chín ở Xiêm".
Với Mạnh Trường, được đóng vai Bác Hồ là niềm vinh dự lớn trong sự nghiệp của anh. Nam diễn viên vào vai Bác Hồ hồi trẻ trong bộ phim Thầu Chín ở Xiêm của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội miền Bắc như: Trung Anh, Anh Tuấn, Hoàng Hải...
Phim Thầu Chín ở Xiêm tái hiện những năm tháng hoạt động Cách mạng của Bác Hồ từ năm 1928 - 1929 ở Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín.
"Thầu" trong tiếng Thái là cách gọi thể hiện sự yêu quý, kính trọng. Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ 38 tuổi, ở Thái Lan với một nhiệm vụ chính trị quan trọng là cùng những cộng sự của mình xây dựng cơ sở Cách mạng trên đất Thái, chuẩn bị cho sự hợp nhất 3 tổ chức Đảng, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thái Lan là nơi có nhiều Việt kiều sinh sống, phần đông là nông dân, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ. Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm hoạt động, với mục đích "Đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập".
Khoảng thời gian ở đây, Bác đã để lại những dấu ấn đậm nét với cộng đồng Việt kiều và người dân bản xứ, được người dân che chở trước sự truy lùng của mật thám Pháp...
Bác Hồ mở mang dân trí cho bà con Việt kiều, qua đó truyền ngọn lửa Cách mạng đến những người yêu nước...
Khi Mạnh Trường được giao trọng trách đóng vai Bác Hồ trong phim Thầu Chín ở Xiêm, đạo diễn yêu cầu anh, diễn xuất thần thái phải giống với Bác. Đặc biệt, đôi mắt luôn phải sáng, chứ không cần khắc họa một diễn viên có ngoại hình giống hệt với Bác Hồ.
Trước khi phim bấm máy, diễn viên Mạnh Trường đã chủ động nghiên cứu rất nhiều tư liệu về Bác.
Trước khi phim bấm máy, diễn viên Mạnh Trường đã chủ động nghiên cứu rất nhiều tư liệu về Bác, đặc biệt là những đoạn phim ghi lại những hình ảnh của Bác trong cuộc sống đời thường cũng như trong lúc Người làm việc.
"Đạo diễn có đưa cho tôi ít tài liệu rất quý về Bác và rồi tôi cứ mày mò nghiên cứu. Tôi có xem lại các diễn viên gạo cội như chú Trần Lực, chú Tiến Hợi diễn khá thành công vai diễn về Bác, để tôi học hỏi thêm. Tuy nhiên, khi xem các chú ấy diễn lại rất sợ mình "nhiễm" phong cách diễn đó, nên tôi cố chắt lọc những chỗ tinh tế nhất của các chú ấy, để rồi tôi phải tạo ra nét riêng cho mình.
Ngoài ra, tôi cũng phải điều chỉnh chế độ ăn để giảm cân. Trong vòng một tháng tôi đã giảm được 6kg, để làm sao khi diễn không béo quá, sẽ bị phản cảm", Mạnh Trường chia sẻ trên Dân trí.
Bộ phim Thầu Chín ở Xiêm có rất nhiều cảnh quay đẹp, xúc động. Nam diễn viên Mạnh Trường đã tái hiện chân thực hình ảnh của Bác với đôi bàn chân trần và hai cánh tay gầy gò, gân guốc cuốc đất, làm ruộng, tưới cây, quét rác, gồng gánh, cùng bà con xây dựng cuộc sống mới,... Bác là tấm gương mẫu mực về một con người không ngại khó, ngại khổ, tài năng, đức độ.
Ban đầu khi nhận vai diễn, Mạnh Trường chỉ tập trung làm sao diễn cho tốt, không được sai sót. Khi phim công chiếu, một số nhà báo lớn tuổi xem xong đã khóc. Điều này khiến nam diễn viên vô cùng xúc động. Anh hạnh phúc vì bộ phim tạo hiệu ứng tốt và chạm đến trái tim khán giả.
Theo Phương Nhung/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/dien-vien-manh-truong-dong-vai-bac-ho-niem-vinh-du-lon-trong-su-nghiep-20210901182103808.htm