Bộ VH-TT-DL vừa có cuộc họp về việc đưa phim lên kênh YouTube Viện Phim Việt Nam.
Bản phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông thiếu generic đã được thay bằng bản đầy đủ trên YouTube của Viện Phim Việt Nam
Tham dự có Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Phó viện trưởng phụ trách Viện Phim Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền Lê Hồng Phong và đại diện Cục Điện ảnh. Phát biểu kết luận chỉ đạo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam và đơn vị liên quan cần rà soát, phân loại để đưa phim đến với công chúng theo các chủ đề hữu ích, thiết thực. Ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác, phổ biến những tác phẩm điện ảnh nhà nước đặt hàng đến đông đảo công chúng trên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến.
Về việc đưa phim lên YouTube của Viện, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết ông căn cứ vào luật Điện ảnh, quy định về chức năng nhiệm vụ của Viện Phim Việt Nam và Quyết định số 4693 hồi 2013 về phê duyệt Đề án khai thác, sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu nhà nước đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Theo Quyết định số 4693, phim được lựa chọn phát hành trên kênh Viện Phim Việt Nam dự kiến gồm: phim thuộc sở hữu nhà nước, phim khuyết danh, phim đã hết thời hạn bảo hộ.
Tuy nhiên, thông tin tại cuộc họp cho thấy áp dụng các quy định này không có nghĩa là Viện có thể tự ý đưa phim lên mạng mà không có ý kiến đồng ý của các đơn vị liên quan.
Trước đó, Báo Thanh Niên có bài về việc Viện Phim Việt Nam đưa phim lên kênh YouTube của mình sai luật. Chẳng hạn, Viện Phim Việt Nam đưa các bộ phim nhà nước lên mà không xin phép Cục Điện ảnh và hãng sản xuất. Viện cũng đóng logo của mình lên các bộ phim này mà không xin phép. Có bộ phim đã bị cắt bỏ phần generic (thông tin giới thiệu ê kíp làm phim). Việc đưa phim của Hãng phim truyện Việt Nam lên mạng cũng được đặt câu hỏi vì hiện tại chưa có kết luận thanh tra về việc sau cổ phần hóa, phim này còn thuộc nhà nước nữa không. Hiện tại, bản phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, sản phẩm hợp tác của Hãng phim Hội Nhà văn và Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc), đã được rút xuống và thay bằng bản phim với đầy đủ generic.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong, hầu hết phim nhà nước đặt hàng là phim về lịch sử cách mạng, tuyên truyền, giáo dục và không đạt hiệu quả cao về kinh tế. Vì thế, việc Viện Phim Việt Nam đưa phim lên mạng có thể hạn chế được sự lãng phí của việc tác phẩm chỉ nằm lưu kho.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/ra-soat-phim-truoc-khi-dua-len-kenh-youtube-vien-phim-viet-nam-1422483.html