Homunculus đặt người xem vào những khủng hoảng hiện sinh của con người khi bị bó vào guồng sống chật hẹp.
Nakoshi dùng năng lực kỳ dị để chữa nỗi đau tinh thần của những người xung quanh và tìm ra tổn thương bên trong mình - Ảnh: IMDb
Homunculus được chuyển thể live-action từ bộ truyện tranh kinh dị cùng tên của Hideo Yamamoto. Dù là phiên bản manga hay phim điện ảnh có người thật đóng, tác phẩm vẫn khiến người đọc rơi vào mê cung tình tiết.
Sau phẫu thuật khoan hộp sọ, Nakoshi có khả năng nhìn thấy các homunculus - thực thể đại diện cho chấn thương tâm lý của những người xung quanh. Năng lực quái gở này khiến anh dấn vào cuộc tìm kiếm nguồn gốc căng thẳng của người khác. Thế nhưng, giật phăng lớp mặt nạ của ai đó lại luôn dễ hơn chuyện đối mặt với thứ bên dưới.
Trong hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, con người thường lậm vào đổ vỡ, mặc cảm, tội lỗi, hi sinh trước cả khi tìm ra hạnh phúc. Lỡ cắt đứt tay người bạn, một đứa trẻ vĩnh viễn không thoát được lỗi lầm thơ ấu và dần trở thành dân xã hội đen, chặt ngón tay của bất cứ ai chống lại y.
Vì muốn phản kháng lại sự kềm kẹp của gia đình, một cô gái sẵn sàng dâng hiến trinh tiết của mình cho những gã đàn ông. Một đứa bé đã giết con cá kiểng và tự vẽ lên người những chiếc vảy hòng chiếm lấy sự quan tâm của cha, để rồi bị ám ảnh bởi hình ảnh con cá ngoắc ngoải, giãy giụa suốt cuộc đời.
Nakoshi vốn dĩ là một nhân vật không có mục đích sống, ngủ trên chiếc xe hơi nhỏ, đánh bạn với mấy lão già vô gia cư. Khả năng kỳ dị đã cứu rỗi cuộc đời vô nghĩa của anh. Nhưng thay vì hưng phấn trước sang chấn của kẻ khác, Nakoshi cố giải quyết những nỗi đau ấy. Là kẻ duy nhất thực sự "nhìn thấy" trên cõi đời, anh không thể lờ đi.
Năm 1974, Thomas Nagel từng biên một bài báo với tựa đề "Là dơi thì như thế nào?". Triết gia người Mỹ nghĩ ra một thí nghiệm tư tưởng khá thú vị. Giả sử, chúng ta quên đi mình là người để biến thành dơi sống trong bóng đêm, nhận biết thế giới xung quanh nhờ một hệ thống tín hiệu âm thanh tần số cao và dành cả ngày để treo ngược lên tầng áp mái thì điều gì sẽ xảy ra?
Câu hỏi của Thomas Nagel đã bao hàm lời đáp rất rõ ràng. Con người không có khả năng nhận thức được làm dơi là ra sao và từ đó diễn giải ra, kể cả là nhân loại với nhau, chúng ta cũng không biết người thân thiết thật sự đang nghĩ gì, cảm thấy như thế nào về cuộc sống. Thứ mà chúng ta biết rõ nhất trên đời là chính mình.
Với hành động dấn thân của Nakoshi, tác phẩm Homunculus đi sâu hơn câu hỏi của Thomas Nagel. Trong trường hợp hãn hữu thấy được nội tâm của đồng loại và chúng chằng chịt sẹo, ta có hai ngã rẽ: hoặc phán xét cuộc đời họ hoặc giúp người đối mặt và chữa lành nỗi đau.
Homunculus đã chọn cúi xuống những thân phận thấp hèn được chôn giấu trong cái bình thật đẹp mang tên "bề ngoài". Tuy nhiên, người xem có thể thấy khó chịu. Vốn dĩ nội tâm không phải là thứ chúng ta sẵn sàng để ai đó tọc mạch, chọc ngoáy. Huống hồ, khi lật lên những sang chấn tâm lý, tác giả không có vẻ gì đang dẫn dắt câu chuyện một cách tinh tế, nói giảm nói tránh.
Ở Homunculus chỉ có sự thật khắc nghiệt mà nhân vật - khán giả - con người buộc phải đối diện. Sự nhân bản được khởi sinh từ đó, ngay ở chỗ cái tàn ác vô tình được vun trồng và cần được đào xới lên, thay bằng những hạt giống mới.
Bộ truyện tranh Homunculus ra mắt năm 2003 và nhanh chóng trở thành một "cơn sốt" ở Nhật và Mỹ, dù lối viết rất kén độc giả. Qua gần 20 năm, người đọc vẫn tranh luận về những tình tiết trong tác phẩm. Homunculus đã trở thành tượng đài cho dòng manga kinh dị - tâm lý.
Phiên bản điện ảnh đã thay đổi đoạn cuối truyện để mang đến một kết thúc có hậu hơn. Phim được xem là một bộ live-action khá thành công so với hàng loạt thảm họa chuyển thể ở nhiều tác phẩm manga trước đó.
Theo Mai Thụy/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nhan-ban-khoi-sinh-tu-nghiet-nga-20210518100339982.htm