Sau thành công tại SEA Games 30, với tiêu chí SEA Games để vươn tầm Olympic, Việt Nam khẳng định SEA Games 31 sẽ là sân chơi của những nhóm môn trọng điểm, không có chuyện đưa nhiều các môn lạ để vơ vét huy chương.
Lâu nay, SEA Games vẫn luôn được định kiến là sân chơi “ao làng”, nơi để nước chủ nhà vơ vét huy chương. Và thực tế cũng đã chứng minh điều này khi mà tại mỗi kỳ SEA Games, nước chủ nhà luôn giành được một khối lượng huy chương khổng lồ, áp đảo hoàn toàn so với các quốc gia khác (ngoại trừ SEA Games tại Lào năm 2009).
Việt Nam sẽ tập trung các nhóm môn Olympic tại SEA Games 31 Ảnh: N.M
Minh chứng gần nhất, tại SEA Games 30, chủ nhà Phillipines giành đến 149 huy chương vàng, hơn đoàn thứ 2 Việt Nam đến 51 huy chương. Trong số này có thể kể một số môn mà chủ nhà vơ vét huy chương như Arnis (võ gậy truyền thống Philippines), chủ nhà giành 12 huy chương vàng trên 20 bộ huy chương; môn Obstacle Course (vượt chướng ngại vật), chủ nhà giành trọn vẹn 6 bộ huy chương vàng; ngoài ra, nước chủ nhà còn cố tình bỏ đi những nội dung hay hạng cân thi đấu không có khả năng tranh chấp ở những môn khác…
“Ao làng” đã luôn tồn tại suốt bao nhiêu năm nhưng Việt Nam sẽ sẵn sàng cởi bỏ cái mác này tại SEA Games 31. Tại SEA Games 30, Thể thao Việt Nam giành 98 huy chương vàng, vượt chỉ tiêu đề ra (từ 65). Trong số 98 huy chương, nhóm môn Olympic góp 71 huy chương, trong đó Điền kinh (16) và Bơi (10) góp gần ½ số huy chương.
Nhìn lại 2 kỳ SEA Games 29, 30, rõ ràng Thể thao Việt Nam đang có những hướng đi đúng đắn và tích cực. Số lượng huy hương giành được của các nhóm môn Olympic được nâng lên qua các kỳ Đại hội và đó chính là cơ sở để Việt Nam tự tin đăng cai kỳ SEA Games với tiêu chí nói không với “ao làng”.
Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao – Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 từng khẳng định với báo chí: “SEA Games 31 tại Việt Nam sẽ tập trung tổ chức các môn trong hệ thống Olympic. Trong đó, điền kinh và bơi lội chúng tôi sẽ tổ chức đầy đủ các nội dung thi đấu dù có vận động viên tranh tài hay không. Chúng tôi sẽ ra một sân chơi công bằng, sòng phẳng, để lại hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế. Và sẽ không có chuyện sẽ đưa nhiều môn thể thao ở nhóm 3 vào để lấy nhiều huy chương”.
Nhìn lại SEA Games 2003, khi Việt Nam là nước chủ nhà, kết quả, Việt Nam dẫn đầu với 158 huy chương vàng, 97 huy chương bạc và 91 huy chương đồng. Sau 18 năm đăng cai, Việt Nam vẫn có thể hoàn toàn tự tin vào số lượng huy chương giành được nhưng quan trọng cái “chất” của số lượng huy chương đó sẽ nằm trong các nhóm môn Olympic.
Danh sách phân chia nhóm các môn thi đấu dự kiến tại SEA Games 31: NHÓM 1: Điền kinh và thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật). NHÓM 2: Thể dục (thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, Thể dục Aerobic), đua thuyền (rowing, canoeing), bóng đá (nam, nữ, futsal nam, futsal nữ), bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền (trong nhà và bãi biển), bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf NHÓM 3: Bi sắt, đá cầu, Vovinam, lặn, khiêu vũ thể thao, cờ (cờ vua, cờ tướng), pencak silat, muay, thể hình, thể thao điện tử và kickboxing. |
Theo Lao động
https://laodong.vn/sea-games-30/sea-games-31-het-chuyen-ao-lang-khong-dua-mon-la-de-vo-vet-huy-chuong-773094.ldo