Cựu thủ quân ĐTQG – đương kim chủ tịch CLB TP.HCM, Lê Công Vinh, đã là cái tên trẻ nhất (33 tuổi) được đề cử vào BCH VFF khóa VIII, sẽ diễn ra Đại hội vào tháng 5/2018 tới đây.
Cách đây gần 15 năm (năm 2005), đương kim Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, cũng ở tuổi 33 (cả mụ) đã từng được biết đến như Tổng thư ký trẻ tuổi nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Ông Tuấn “tổng” trước khi được ướm vào ghế Tổng thư ký VFF, đã và đang giữ chức Viện phó Viện Khoa học TDTT (thuộc Tổng cục TDTT), đồng thời mới đỗ đạt tiến sỹ ở nước ngoài trở về. Xét về mặt nhân thân, Trần Quốc Tuấn còn là con của ông Trần Vĩnh Lộc (Chín Lộc), nguyên Giám đốc Sở TDTT Khánh Hòa (cũ), nên có thể xem là “thái tử”, là cán bộ quy hoạch.
Lê Công Vinh ứng cử ủy viên ban chấp hành VFF.
Còn Lê Công Vinh là ai? Vinh đã và đang giữ kỷ lục về số lần khoác áo ĐTQG (85 lần), cũng như số lượng bàn thắng ghi được. Kinh qua các CLB SLNA, Hà Nội T&T, CLB Hà Nội và B.Bình Dương, Công Vinh là chân sút số 1 trong lịch sử V-League tuổi 18, với 120 bàn thắng. Sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, hiếm một cầu thủ nào vẻ vang hơn Vinh, cả về tiền tài, lẫn danh vọng.
Hoạn lộ của Lê Công Vinh sau khi treo giầy, cũng có thể nói là khá hanh thông, với vai trò CEO của CLB TP.HCM, kể từ hơn một năm qua...
Trên thực tế, ngay từ khi còn thi đấu, Công Vinh đã xác định mình sẽ gắn bó với bóng đá sau giải nghệ, nhưng không phải vai trò của một HLV, hay làm chuyên môn đơn thuần. “Tôi sẽ làm công việc liên quan đến bóng đá, nó giống một nhà quản lý – môi giới bóng đá hơn, chứ không phải là HLV”, Vinh từng chia sẻ với chúng tôi, cách đây vài năm.
Để chuẩn bị cho lộ trình được vạch sẵn, Vinh tích cực học ngoại ngữ và giao du với thế giới các ông bầu, cũng như quan chức bóng đá trong nhiều năm. Anh cũng đã thi đậu Đại học Luật tại chức.
Vinh là một người cầu thị và cầu tiến, điều này có lẽ không cần phải nói thêm nữa, khi chúng ta đã được chứng kiến sự nghiệp hơn 13 năm thi đấu chuyên nghiệp, từ một cầu thủ trẻ không có nhiều kỹ năng đặc biệt, vươn đến tầm một ngôi sao hàng đầu, thậm chí là duy nhất trong lịch sử nền bóng đá. Các đơn hàng quảng cáo đến với Công Vinh nhiều hơn bất kỳ cầu thủ cùng thời nào khác, đơn giản bởi khách hàng tìm thấy sự an toàn của một cầu thủ không tì vết, ít scandal, không thuốc lá, bia rượu hay các thú vui được cho là thời thượng.
Và, việc hôm nay Công Vinh được ướm vào một ghế trong BCH VFF khóa VIII, chính là lộ trình mà cách đây hơn 10 năm, ông Trần Quốc Tuấn đã đi. Theo chia sẻ của Công Vinh, bản thân cựu Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn có vai trò rất lớn trong việc định hướng công việc cho anh, từ cách đây khá lâu. Mối quan hệ giữa ông Trần Quốc Tuấn và Lê Công Vinh thân thuộc đến độ, nhiều tình huống – vấn đề cần giải quyết trên ĐTQG trước đây, Công Vinh có thể nhấc máy gọi thẳng ông Tuấn “tổng”, mà không cần phải thông qua BHL đội bóng.
VFF đã và đang trẻ hóa vắt qua 2 – 3 nhiệm kỳ qua, đấy là điều tích cực, để tránh mang tiếng là “tổ hưu trí”. Từ Trần Quốc Tuấn đến Lê Hoài Anh, rồi Lê Công Vinh bây giờ..., tổ chức xã hội nghề nghiệp này không từ chối những người trẻ có năng lực và sự tận hiến.
Với tư cách một ủy viên BCH, có thể Công Vinh sẽ chưa đưa ra được phát kiến mang tính đột phá, nâng tầm tổ chức và xa hơn là giúp bóng đá Việt Nam phát triển; nhưng, nếu ông Tuấn “tổng” trúng cử Chủ tịch VFF, không biết chừng Lê Công Vinh sẽ được nhấc thẳng lên ghế Tổng thư ký?!
Lúc này, chúng ta sẽ bắt đầu làm quen với khái niệm ông Vinh “tổng”, chứ không còn là ông Vinh “quyền chủ tịch” hay “CV9” như trước đây. Kể cũng thú vị!
Theo VTC New