"Quỷ Đỏ" thành Manchester lần đầu tiên có kênh chính thức trên trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới, kể từ khi trang này ra đời năm 2005.
Trước khi hai bên hợp tác, Man Utd là đội Ngoại hạng Anh duy nhất không có kênh YouTube chính thức. Họ sử dụng kênh truyền hình trả tiền MUTV và một trang Facebook với 72 triệu người theo dõi, làm phương tiện truyền thông chính để phát triển và kiếm tiền từ người hâm mộ toàn cầu.
YouTube hiện nay có tới 1,3 tỷ tài khoản sử dụng với doanh thu cao ngất ngưởng hàng năm. Điều đó khiến Man Utd không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc, và phải hợp tác với website chia sẻ video lớn nhất thế giới.
"Thật đáng ngạc nhiên, ngay cả khi không có một kênh chính thức, đây vẫn là CLB được xem nhiều nhất thế giới trên YouTube", Tomos Grace, giám đốc thể thao của YouTube châu Âu, Trung Đông và châu Phi nói với Guardian. "Kênh YouTube chính thức của Man Utd ra đời hứa hẹn sẽ là kênh mà mọi người luôn tìm kiếm".
Theo YouTube, kể từ đầu mùa, số lượt xem video của Man Utd đã tăng 60%, lên gần 850 triệu lượt.
Kênh YouTube của Man Utd ra đời là điều tất yếu với sự phát triển của CLB. Ảnh: Reuters.
Man Utd trước tiên sẽ phải cạnh tranh với đối thủ cùng thành phố Man City, CLB dẫn đầu nước Anh trên YouTube với 1,1 triệu người theo dõi. Dù vậy, mục tiêu của "Quỷ Đỏ" là vượt qua đội bóng nổi tiếng nhất thế giới - Barca, CLB đã xuất hiện trên YouTube từ năm 2006 và giờ có tới 3,8 triệu người đăng ký.
"Mục tiêu của đội bóng là trở thành CLB lớn nhất thế giới", phát ngôn viên của Man Utd không giấu giếm tham vọng. "Sự hiện diện của Man Utd trên các nền tảng như YouTube sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu đó".
Trong thương vụ hợp tác này, YouTube sẽ được chia 45% lợi nhuận đôi bên - tỷ lệ không hề nhỏ, theo đánh giá của hãng thống kê kinh tế eMarketer. Cũng theo hãng này, doanh thu của YouTube dự kiến tăng hơn gấp đôi trong năm năm, từ 2015 đến 2019 (4,28 tỷ đôla lên 10,5 tỷ đôla).
"Doanh thu từ Youtube là khá nhỏ so với thu nhập từ việc bán bản quyền truyền hình và tài trợ", Richard Broughton, nhà phân tích của Ampere đánh giá. "Đây không phải là một nền tảng tuyệt vời để kiếm được số tiền khổng lồ nếu bạn đã là một thương hiệu lớn. Thực chất, Man Utd muốn xây dựng thương hiệu và nhắm vào các nhóm người xem khác nhau".
Những CĐV trẻ tại Anh hiện tại không còn đến sân nhiều như thế hệ trước. Ảnh: Guardian.
Nguyên nhân của đánh giá trên là các CLB lớn đang lo lắng về việc mất thị trường người xem quốc tế và nhóm thanh thiếu niên. Thế hệ trẻ giờ đây không còn xem nhiều bóng đá thông qua các gói truyền hình đắt tiền, hoặc mua vé cả mùa như cách đây 10-20 năm.
Ước tính 70% số lượt xem video trên YouTube đến từ nhóm người có độ tuổi từ 18 đến 35. Theo Ampere, 70% số người Anh trong độ tuổi từ 18 đến 24 sử dụng YouTube hàng tháng. Con số này ở Mỹ là 86% và ở Brazil là 90%.
Theo Nhân Đạt/VnExpress