Đó là nhận xét của HLV Christian Brydniak - người đã gắn bó với CLB quần vợt Becamex Bình Dương cũng như tay vợt Lý Hoàng Nam suốt 3 năm qua.
LV Brydniak cùng cậu học trò thân thiết Lý Hoàng Nam. Ảnh: T.P.
Ông Brydniak đã chính thức hết hợp đồng làm việc ở VN và trước khi trở về quê nhà, vị HLV người Thụy Điển đã đưa ra những nhận định, đánh giá về tương lai của Lý Hoàng Nam cùng quần vợt trẻ VN.
* Ông có thể chia sẻ lý do ông và CLB Bình Dương không gia hạn hợp đồng?
- Tôi rất lấy làm tiếc vì điều này, bản thân tôi muốn tiếp tục gắn bó, làm việc tại đây lâu hơn nữa. Nhưng tôi và Lý Hoàng Nam có lẽ đã đi đến một giới hạn nào đó về chuyên môn. Nói vậy không có nghĩa là quan hệ của chúng tôi xấu đi. Tôi và Nam vẫn cùng chia sẻ nhiều thứ trong cuộc sống và chúng tôi sẽ giữ vững quan hệ tốt đẹp đó. Nhưng Nam và bản thân tôi dường như đang cảm thấy nhàm chán nếu mọi việc cứ diễn ra như vậy. Nam cần nguồn cảm hứng mới, một HLV mới có thể sẽ kích thích cậu ấy nỗ lực nhiều hơn, cải thiện và khai phá những tiềm năng mới của bản thân.
* Thành tích của Nam có vẻ chững lại trong khoảng nửa năm nay, cụ thể là thất bại ở Vietnam Open 2017, ông nghĩ nguyên do chính là gì?
- Tôi không cho việc Nam bị loại ở vòng 1 trước Go Soeda là thất bại. Các giải quần vợt luôn rất khắc nghiệt và may rủi, bạn bốc phải lá thăm gặp Roger Federer và mọi thứ chấm hết, không có một cơ hội nào khác. Go Soeda là tay vợt kỳ cựu, giàu kinh nghiệm và hiện vẫn đang trong tốp 200 thế giới, anh ấy mạnh hơn Nam và Nam thất bại là điều dễ hiểu.
Thực sự Nam cũng có những mặt hạn chế của riêng mình. Cho đến giờ, cậu ấy vẫn chưa thực sự nổi bật trong các kỹ năng giao bóng, những cú trái tay, thuận tay... Những tay vợt ở độ tuổi này nếu có ưu thế rõ rệt về giao bóng, thuận tay, trái tay sẽ dễ dàng gặt hái thành tích hơn. Tôi không nghĩ sức ép tâm lý là trở ngại lớn với Hoàng Nam, cậu ấy là tay vợt VN điềm tĩnh, tự tin nhất mà tôi từng gặp.
* Ông nghĩ thời gian tới Nam nên tìm một HLV riêng hay đến những học viện quần vợt nổi tiếng?
- Nếu Nam còn là một chàng trai 14-15 tuổi, việc đến học viện có lẽ sẽ tốt. Nhưng ở độ tuổi này Nam nên có HLV riêng. Điều kiện ở Bình Dương đủ tốt cho cậu ấy, bởi cậu ấy cũng có chuyên gia thể lực, một hệ thống dinh dưỡng khá tốt. Tôi từng đến những học viện nổi tiếng của Mỹ như IMG (nơi đào tạo Maria Sharapova), điều kiện họ rất tốt nhưng đó là với việc xây dựng nền tảng cho VĐV. Còn Nam đã ở một giai đoạn khác. Cái Nam cần là những giải đấu lớn để tiếp tục cọ xát, tiến bộ, định hình một phong cách đánh rõ ràng. Tôi tin Nam có thể tiến vào tốp 100 của thế giới, nhưng ít nhất là phải sau 2-3 năm nữa.
* Trong 3 năm làm việc ở VN, ông nghĩ mình đã thay đổi được điều gì ở các tay vợt VN?
- Tôi chỉ có thể nhận xét trong phạm vi CLB Bình Dương. Khi tôi mới đến, tôi khá ngạc nhiên về tình trạng của các tay vợt trẻ VN. Họ tập luyện rất nhiều, nhiều hơn những tay vợt ở Thụy Điển, nhưng trình độ thì vẫn còn kém. Các tay vợt VN tập nhiều nhưng lại thiếu tính thi đấu, không khí các buổi tập hầu như chỉ là tập dợt qua lại với nhau. Ngoài ra, các tay vợt VN gần như không có khái niệm lên kế hoạch trước một trận đấu. Họ không biết tìm hiểu phong cách của đối thủ, rồi từ đó đưa ra giải pháp để khắc chế từng đường giao bóng, cú trái tay... Tất nhiên họ càng không có những giải pháp thứ 2, thứ 3 khi gặp phải đối thủ khó chịu. Các tay vợt VN hầu như chỉ ra sân rồi nỗ lực thi đấu theo phong cách của mình.
* Xin cảm ơn ông!
Liệu VN sẽ có thêm nhiều những Lý Hoàng Nam? Ở thời điểm này, tôi nghĩ Nguyễn Văn Phương là tay vợt có nhiều hi vọng vươn đến tầm cỡ Hoàng Nam nhất. Cậu ấy có sự tự tin và những tố chất của một tay vợt hàng đầu, chiều cao cũng tốt nên có thể phát huy tối đa những cú giao bóng. |
Theo H.Đăng - T.Phúc/ Tuổi Trẻ