Dẫn đầu toàn đoàn ở kỳ SEA Games 31 với 9 HCV, hơn đoàn xếp sau là Thái Lan đến 4 HCV, nhưng taekwondo Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu giành 4 HCV ở SEA Games 32.
Kim Tuyền (phải) trong trận chung kết thắng võ sĩ Thái Lan ở SEA Games 31 - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Lý do là ngoài chủ nhà Campuchia được đăng ký đủ 24 nội dung thi đấu, các nước còn lại chỉ được đăng ký 5/8 nội dung của quyền, đối kháng nam và nữ. Kế đến là sự cạnh tranh của hai đối thủ rất mạnh là Thái Lan và Philippines.
Tự lượng sức mình
Diễn ra từ ngày 12 đến 16-5, để chuẩn bị cho SEA Games 32, đội tuyển đối kháng taekwondo Việt Nam đã tập huấn một tháng tại Hàn Quốc. Mới nhất, đội đã tổ chức giải giao hữu với đội taekwondo Trường đại học Dong-A (Hàn Quốc) tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội hôm 11 và 12-4. Trong khi đó, đội tuyển quyền taekwondo Việt Nam sẽ sang Hàn Quốc tập huấn vào ngày 23-4 đến 5-5 trước khi sang Campuchia tranh tài.
Chuẩn bị nghiêm túc và cả khi vừa dẫn đầu Giải vô địch Đông Nam Á 2023 tại Philippines hồi tháng 3 vừa qua với 13 HCV (10 đối kháng) nhưng taekwondo Việt Nam vẫn khó có thể giành nhiều HCV tại SEA Games 32. Điều này do Thái Lan đã không cử VĐV tham dự Giải Đông Nam Á. Thay vào đó, họ cho đi tập huấn châu Âu nhằm chuẩn bị cho Giải vô địch thế giới 2023 được tính điểm cho suất dự Olympic Paris 2024.
Ngay cả Campuchia cũng cử đội chính đi tập huấn Hàn Quốc, để đội phụ (5 võ sĩ) đi dự giải ở Philippines. Chưa kể, luật mới cũng khiến các võ sĩ Việt Nam khó ghi điểm hơn và cũng dễ thất bại hơn khi gặp các đối thủ mạnh.
Điều này khiến đội tuyển quyền chỉ đăng ký giành 2 HCV trong số 5 nội dung tham dự. Đội tuyển đối kháng chỉ phấn đấu giành 2 HCV trong tổng số 10 hạng cân tham dự ở cả nam và nữ. Đây là chỉ tiêu rất thấp nếu so với 5 HCV đối kháng và 4 HCV biểu diễn quyền mà taekwondo Việt Nam giành được ở SEA Games 31 trên sân nhà.
Kỳ vọng vào các võ sĩ nữ
Ở SEA Games 31, 5 HCV đối kháng của taekwondo Việt Nam đều do các nữ võ sĩ mang về. Trong đó có Trương Thị Kim Tuyền (hạng cân 46kg) và Bạc Thị Khiêm (67kg). Đây cũng chính là hai niềm hy vọng lớn nhất của đội tuyển đối kháng ở SEA Games 32.
Tuy nhiên, niềm hy vọng số 1 Kim Tuyền đối mặt khó khăn bởi thi đấu hạng cân 46kg hay 49kg, cô đều gặp phải hai võ sĩ rất mạnh của Thái Lan. Cụ thể, ở hạng cân 46kg, Julanan Khantikulanon đang là đương kim á quân châu Á và từng giành HCĐ thế giới 2019. Còn ở hạng cân 49kg, Panipak Wongpattanakit đang là đương kim vô địch Olympic, người đã thắng Kim Tuyền ở tứ kết Olympic Tokyo 2020.
Trên thực tế, 5 HCV đối kháng mà taekwondo Việt Nam giành được trên sân nhà được giới chuyên môn nhìn nhận là khá may mắn. Bởi khi đó, ở SEA Games 31 vẫn còn thi đấu theo luật cũ.
Theo luật mới áp dụng từ tháng 6-2022, thể thức thi đấu mới 3 thắng 2 (3 hiệp thắng 2 hiệp là kết thúc), điểm số tính riêng từng hiệp chứ không cộng dồn, võ sĩ nào đạt 12 điểm trước hoặc chênh lệch 12 điểm là thắng khiến các võ sĩ không có nhiều cơ hội lật ngược thế trận.
Luật mới khiến nhiều võ sĩ taekwondo Việt Nam thua trắng 0-2 ở Giải vô địch châu Á 2022 tại Hàn Quốc, thậm chí thua chênh lệch 12 điểm. Hạt giống số 1 Trương Thị Kim Tuyền hay Bạc Thị Khiêm thua 0-2 ngay trận đầu tiên trước các đối thủ yếu hơn ở Giải vô địch châu Á 2022 là một ví dụ.
Vì vậy, đội tuyển đối kháng đã tích cực tập luyện và thích nghi với luật mới trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc lẫn ở giải giao hữu tại Hà Nội. Nhưng với tương quan thực lực giữa các đội tuyển và lợi thế nước chủ nhà, chen chân vào tốp 3 cũng là khó khăn với taekwondo Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/taekwondo-viet-nam-gian-nan-bao-ve-ngoi-dau-20230424100939564.htm