Quần vợt Việt Nam đang trải qua quãng thời gian không yên ả khi xảy ra những quan điểm bất đồng giữa các cá nhân, tập thể có sức ảnh hưởng lớn trong làng banh nỉ
Thất bại tại vòng play-offs Davis Cup nhóm II thế giới hồi đầu tháng 2 vừa qua là kết quả đáng buồn của quần vợt Việt Nam. Nỗi tiếc nuối càng lớn hơn khi đội tuyển quần vợt nam Việt Nam với lợi thế được thi đấu trên sân nhà (Bắc Ninh) và chỉ phải đối mặt với một Indonesia khá tương đồng về thực lực. Niềm hy vọng lớn nhất mang tên Lý Hoàng Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với chiến thắng ở 2 trận đánh đơn nhưng vẫn không thể giúp toàn đội tránh khỏi kết quả thua chung cuộc 2-3.
Gục ngã một cách đáng tiếc trước đối thủ xứ vạn đảo, quần vợt Việt Nam thêm một lần lỡ hẹn với Davis Cup nhóm II thế giới. Sau thất bại trên, giới hâm mộ banh nỉ trong nước tiếp tục đón thêm một thông tin không mấy tích cực: Tay vợt Lý Hoàng Nam tuyên bố không tham dự SEA Games 32, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 5-2023 tại Campuchia.
Từ động thái của Hoàng Nam, những góc khuất và mâu thuẫn giữa cá nhân tay vợt 25 tuổi cùng đơn vị chủ quản của anh - CLB Hải Đăng (Tây Ninh) với Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) được phô bày.
Phía Lý Hoàng Nam và Hải Đăng cho rằng VTF đã không có sự quan tâm cũng như không có sự ghi nhận đúng mức cống hiến của các cá nhân, tập thể đang chung tay thúc đẩy nền quần vợt nước nhà phát triển. Theo đại diện từ phía Hoàng Nam, chính sự hời hợt của VTF là nguyên nhân dẫn tới thất bại của đội tuyển quần vợt nam trước Indonesia ở Davis Cup. Kết quả đáng buồn đó cũng được cho là "giọt nước tràn ly" khiến sự bất mãn của Lý Hoàng Nam và CLB Hải Đăng với VTF lên tới đỉnh điểm.
Lý Hoàng Nam nhận được sự ủng hộ từ Tổng cục TDTT. (Ảnh: VTF)
Cuộc "khẩu chiến" giữa các bên càng tăng nhiệt sau phần trả lời phỏng vấn của Tổng Thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng trên sóng truyền hình quốc gia vào ngày 14-2. Để tránh tình trạng mâu thuẫn kéo dài, đại diện phía Tổng cục TDTT, VTF và CLB Hải Đăng đã có buổi gặp mặt và trao đổi trực tiếp trong ngày 17-2. Động thái được cho nhằm xoa dịu những bức xúc và tìm ra hướng giải quyết êm đẹp giữa các bên.
Trước đó, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết các cá nhân, tập thể trong làng quần vợt nước nhà không nên chỉ trích, đôi co lẫn nhau trên truyền thông. Những người liên quan đến vụ mâu thuẫn nên sớm gặp mặt, thẳng thắn trao đổi nhằm tìm được tiếng nói chung. Và các vấn đề khúc mắc thời gian qua đã phần nào được tháo gỡ trong cuộc gặp giữa các bên mới đây.
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết sau buổi gặp vào sáng 17-2: "Phía CLB của Lý Hoàng Nam muốn VĐV này thi đấu để thăng hạng thế giới và hướng đến việc dự Grand Slam tại Pháp. Tuy nhiên, thời điểm trên lại trùng với SEA Games 32 nên mới quyết định không dự SEA Games. Phía Tổng cục TDTT tôn trọng, ủng hộ quyết định của các vận động viên. Sau SEA Games 32, vẫn còn ASIAD 19 và các giải quốc tế khác, Lý Hoàng Nam hoàn toàn có thể tham gia, đóng góp cho thể thao Việt Nam".
Trong khi đó, phía CLB Hải Đăng xác nhận tay vợt sinh năm 1997 sẽ không chia tay đội tuyển quốc gia vì những mâu thuẫn đã qua với VTF. Hải Đăng cũng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện để Hoàng Nam cùng các tay vợt khác thuộc biên chế CLB hội quân cùng đội tuyển nếu được triệu tập trong tương lai.
Động thái "dĩ hòa vi quý", mỗi bên nhường một bước này có thể xem là cách giải quyết phù hợp sau những mâu thuẫn giữa các bên liên quan trong thời gian qua. Bởi quan trọng nhất vẫn là hướng tới sự phát triển của nền quần vợt nước nhà. Điều đáng mừng là vụ việc đã không đi quá xa với sự can thiệp kịp thời từ Tổng cục TDTT cùng thiện chí giữa các bên.
Việc thiếu vắng Hoàng Nam tại SEA Games 32 là tổn thất không nhỏ với quần vợt Việt Nam. Nhưng đúng như lời của ông Trần Đức Phấn, còn rất nhiều giải đấu và sự kiện thể thao quốc tế khác trong tương lai mà tay vợt quê Tây Ninh có thể cống hiến cho nước nhà. Vì thế, thay vì chỉ trích và kéo dài sự bất hòa, hãy thể hiện thái độ ủng hộ sự lựa chọn của vận động viên đó.
Quần vợt Việt Nam cần một ngôi sao như Lý Hoàng Nam để nâng tầm và tạo động lực cho các lứa vận động viên trẻ sau này. Ngược lại, tay vợt 25 tuổi cũng không thể bỏ qua ủng hộ từ VTF cùng các cơ quan chức năng trong giới banh nỉ nước nhà. Vậy nên, việc sớm gạt đi những khúc mắc và mâu thuẫn giữa các bên là thật sự cần thiết. Vượt qua cơn sóng gió vừa qua, hy vọng quần vợt Việt Nam sẽ mang đến những tín hiệu vui cho người hâm mộ trong nước thời gian tới.
Ông Nguyễn Kim Cương, phụ trách bộ môn quần vợt - Tổng cục TDTT: Bài học về quản lý, ứng xử "Quần vợt Việt Nam tiến bộ trong thời gian gần đây một phần nhờ sự thăng hoa của Lý Hoàng Nam. Trong khi chưa trông chờ vào thành tích ở cấp độ đội tuyển, Tổng cục TDTT và bộ môn quần vợt tôn trọng, ủng hộ quyết định phát triển của cá nhân các vận động viên. Chúng tôi đã tính tới việc đăng ký thêm một suất dự bị để Lý Hoàng Nam yên tâm tập luyện, thi đấu ở cả Grand Slam lẫn SEA Games nếu giải nào thỏa được các điều kiện về thời gian và thành tích. Vắng Lý Hoàng Nam, quần vợt Việt Nam sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu thành tích tại SEA Games sau 2 kỳ đại hội liên tiếp giành HCV cá nhân nam. Sự việc không đáng xảy ra này cũng là bài học để giới quản lý môn quần vợt nói riêng, thể thao thành tích cao nói chung phải thực sự cẩn trọng trong cung cách điều hành cũng như cư xử với lực lượng VĐV đỉnh cao của quốc gia". Đông Linh (ghi) |
Theo Thi Nguyên/ NLĐ
https://nld.com.vn/the-thao/quan-vot-viet-nam-vi-loi-ich-quoc-gia-gat-bo-bat-dong-20230217214948762.htm