Sau thời gian dài ở châu Phi, HLV Philippe Troussier đến Nhật Bản và hoàn thiện những triết lý nhân sự, mà nổi bật là đội hình trẻ cần có đàn anh dẫn dắt.
HLV Philippe Troussier, sinh năm 1955, chính thức đạt thỏa thuận dẫn dắt U23 và tuyển Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Ngày 16-2, HLV Philippe Troussier đã chính thức đạt thỏa thuận với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam.
Dự kiến ngày 26-2 ông Philippe Troussier sẽ có mặt tại Việt Nam để công bố hợp đồng với VFF.
VFF cũng đã tạo điều kiện tối đa để ông Philippe Troussier có được đội ngũ ban huấn luyện ưng ý, phục vụ tốt nhất cho những kế hoạch ở hai cấp độ đội tuyển.
Tất nhiên để tìm được tiếng nói chung giữa các bên, trong thời gian vừa qua, vị HLV người Pháp cùng các cộng sự cũng có những bước chuẩn bị về mặt nhân sự.
Vì sao ông Philippe Troussier gặp Quang Hải?
Phần đông người hâm mộ Việt Nam chắc hẳn biết đến dàn cầu thủ sinh năm 1999 - 2001, gồm: thủ môn Quan Văn Chuẩn; hậu vệ Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương, Vũ Tiến Long, Lê Văn Đô; tiền vệ Huỳnh Công Đến và tiền đạo Nguyễn Văn Tùng.
Những gương mặt trẻ này từng cùng HLV Gong Oh Kyun vào đến tứ kết U23 châu Á 2022 và sau đó giành huy chương vàng SEA Games 31 cùng HLV Park Hang Seo. Một vài trong số này cũng đã vô địch U23 Đông Nam Á 2022 dưới trướng HLV Đinh Thế Nam.
Trước khi có năm 2022 trưởng thành vượt bậc kể trên, họ từng được HLV Philippe Troussier "chọn mặt gửi vàng" sau nhiều lần sàng lọc vào tháng 11-2019. Thời điểm U19 Việt Nam thi đấu vòng loại U19 châu Á 2020 nhưng sau đó vòng chung kết bị hủy vì tình hình dịch bệnh.
Hiện tại lứa cầu thủ 1999 - 2001 đang cận kề độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp. Và họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch xây dựng đội hình tuyển Việt Nam của ông Philippe Troussier.
Đội hình U19 Việt Nam trong trận hòa 0-0 trước U19 Nhật Bản tại vòng loại U19 châu Á 2020 - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Tuy vậy, một cuộc cách mạng triệt để về đội hình đội tuyển Việt Nam sẽ không xảy ra. Ít nhất như câu chuyện vào năm 1997, ông Troussier mạnh tay đẩy Jay Jay Okocha - cầu thủ đang là siêu sao ở đội tuyển Nigeria - lên ghế dự bị để tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ có khát khao, kỷ luật thi đấu hơn.
Kế thừa và phát huy những tinh hoa từ người tiền nhiệm Park Hang Seo là điều ông Philippe Troussier hướng tới.
Vì lẽ đó mà chủ đích "Phù thủy trắng" trò chuyện với Quang Hải tại Pháp, dự định đi Nhật gặp Công Phượng và có thể còn nhiều cuộc gặp mặt nữa để gây dựng niềm tin về vai trò của những "đầu tàu", dìu dắt lứa tuyển thủ mới.
Những yếu tố cốt lõi của một tập thể
Trong bài phỏng vấn với J-Soccer (Nhật Bản) vào năm 2016, vị HLV người Pháp từng chia sẻ những triết lý nhân sự cốt lõi mà ông muốn có trong một tập thể.
Ông nhắc đến hai lão tướng Masashi Nakayama cũng như Kazu Miura với vai trò "gìn giữ khát khao cống hiến, truyền thống của đội tuyển và những giá trị quan trọng bên ngoài sân".
Tiếp đến ông chọn Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura - những cầu thủ thi đấu nổi bật ở châu Âu trước đó như một tấm gương truyền cảm hứng "tiềm năng của cầu thủ Nhật Bản" cho các đàn em.
Sau cùng là Tsuneyasu Miyamoto, trung vệ cao 1,76m mà ông khẳng định: "Không HLV nào chọn cậu ấy cho một trận đấu đỉnh cao nếu nhìn vào các tiêu chí chiều cao, sự dũng mãnh hay sức mạnh tranh chấp.
Nhưng, Miyamoto là thủ lĩnh của sơ đồ 3 trung vệ, thông minh, hiểu rõ ý đồ hệ thống chiến thuật và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu".
Làm việc tại Nhật Bản giai đoạn 1998 - 2002, HLV Troussier thẳng thừng chỉ ra cầu thủ Nhật Bản "không được dạy cách chơi tiểu xảo" để mang lại lợi ích cho tập thể. Tất nhiên ông không cổ xúy lối đá bạo lực, điều cần nhất ở các cầu thủ là cá tính, khát khao chiến thắng để không ngán bất cứ đối thủ nào.
Ở Nhật Bản, HLV Philippe Troussier xây dựng được lứa cầu thủ giành ngôi á quân U20 thế giới 1999, tứ kết Olympic 2000, vô địch ASIAN Cup và lọt vào vòng 16 đội World Cup 2002 - Ảnh: GETTY
Ông Philippe Troussier có tính gia trưởng
Ở Nhật Bản, một trợ lý thân cận từng tiết lộ HLV Philippe Troussier có mối quan hệ "như cha con" với cầu thủ. Ông thầy người Pháp không ngại tiếp xúc, trò chuyện hoặc trêu đùa cầu thủ để hiểu họ hơn.
Tuy nhiên, bản thân ông Troussier tự nhận có tính gia trưởng khi tỏ ra nghiêm khắc đến những khía cạnh ngoài chuyên môn như cách sinh hoạt thường ngày. Lý do ông nêu ra về cá tính này của mình "vì để giúp họ chuyên nghiệp hơn".
Chính vì lẽ đó mà ở châu Phi hay Qatar, "Phù thủy trắng" đã gặp phải những mâu thuẫn với cầu thủ và liên đoàn bóng đá nước sở tại.
Tờ Mail & Guardian của Nam Phi từng đánh giá như sau về vị chiến lược gia người Pháp: "Ông ấy là HLV giỏi với những chiến thuật kỳ lạ, không thể tin nổi. Troussier muốn cầu thủ Nam Phi thấm nhuần kỷ luật. Tham vọng của ông ấy là đưa đội tuyển lên tầm cao mới, một thế lực đáng gờm ở châu Phi".
Tham vọng lớn, kỷ luật thép và kèm theo những buổi tập "hành xác" để đạt mục đích là điều ông Philippe Troussier cần điều chỉnh. Năm 1998, những tuyển thủ Nam Phi từng chỉ trích ông vì các buổi tập quá vất vả.
20 năm sau ở Việt Nam, ông tiếp tục có giai thoại về giờ tập "giữa trưa, về đêm toàn đội hì hục trên sân".
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhung-triet-ly-dac-trung-cua-ong-philippe-troussier-2023021704383802.htm