Bản chất của VAR - công nghệ VAR là các máy quay đặt ở nhiều góc độ, từ đó cung cấp cho đội ngũ trọng tài khả năng quan sát tốt nhất trong các tình huống gây tranh cãi...
Công nghệ VAR tối tân có thể tốn kém hàng chục tỉ đồng ở mỗi sân đấu - Ảnh: FIFA
VAR (công nghệ VAR - công nghệ video hỗ trợ trọng tài) đã được FIFA đưa vào sử dụng ở World Cup 2018. Từ đó, "cần có VAR" trở thành câu cửa miệng của người hâm mộ mỗi khi theo dõi những giải đấu cấp thấp hơn và cũng có nhiều tình huống tranh cãi hơn.
Như một thói quen, báo Bola của Indonesia nêu lại quan điểm này sau trận Việt Nam thắng Malaysia ở AFF Cup năm nay. Trận đấu có khá nhiều pha phạm lỗi thô bạo từ phía cả hai đội, và nếu có sự hỗ trợ từ VAR, kết quả các phán quyết của trọng tài ắt hẳn đã khác.
Nhưng "VAR - Video Assistant Referee" không phải là một món đồ công nghệ đơn giản để quyết định. Bản chất của VAR là các máy quay đặt ở nhiều góc độ, từ đó cung cấp cho đội ngũ trọng tài khả năng quan sát tốt nhất trong các tình huống gây tranh cãi.
Ở World Cup 2018, chủ nhà Nga lắp đặt hệ thống VAR với khoảng 33 camera ở mỗi sân. Đến World Cup 2022, con số này được nâng lên thành 42 camera. Không chỉ vậy, nước chủ nhà Qatar còn giới thiệu công nghệ việt vị bán tự động với thêm một hệ thống 13 camera khác (bao gồm 12 camera quanh sân và 1 camera ngay trong quả bóng thi đấu). "Vấn đề không chỉ là có bao nhiêu camera, mà còn nằm ở công nghệ đằng sau đó. Thực sự là một thách thức để ghi nhận hình ảnh thật chính xác", giáo sư Robert Aughey của Đại học Melbourne nói về các công nghệ hỗ trợ trọng tài. Riêng hệ thống camera phục vụ cho công nghệ việt vị bán tự động ghi lại 29 điểm trên cơ thể với tần suất 50 lần/giây.
Và kể cả khi đã có tất cả công nghệ tối tân như vậy, các trận đấu ở World Cup 2022 vẫn chìm ngập trong tranh cãi. Riêng trận chung kết có đến 3-4 pha bóng được người hâm mộ bàn tán, tranh luận suốt nhiều ngày sau đó. Tranh cãi luôn là một phần của bóng đá. Và vài năm qua, sự xuất hiện của VAR tạo nên một luồng quan điểm khác: liệu công nghệ có đang giết chết những cảm xúc trong bóng đá?
Dù vậy, sự tồn tại của VAR trong bóng đá vẫn giúp mang lại những kết quả chính xác hơn. Vấn đề là tiền. VAR tốn bao nhiêu tiền? Khi VAR bắt đầu được áp dụng, mỗi CLB ở Giải ngoại hạng Anh (Premier League) phải chi khoảng 1,5 triệu USD mỗi mùa giải cho hệ thống công nghệ này. Với các hạng đấu thấp hơn ở Anh, con số này vẫn lên đến khoảng 100.000 USD/mùa, tức 2,5 tỉ đồng/mùa cho mỗi đội bóng.
Khi phải đá cả mùa giải với hàng chục trận mỗi năm, số tiền đầu tư cho VAR trở nên đáng đồng tiền bát gạo. Ngược lại, dù chỉ đá vài trận, kinh phí cho việc lắp đặt camera cũng gần tương tự. Vì vậy, không phải mọi trận đấu ở đẳng cấp thế giới đều có VAR. Tiêu biểu là vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu, tuyển Bồ Đào Nha và cá nhân Ronaldo từng than trời khi bị mất một bàn thắng trong trận đấu với Serbia vì sai lầm của trọng tài. Nếu có VAR hoặc goal-line (công nghệ xác định bóng ở vạch vôi khung thành), Ronaldo có lẽ đã không chịu thiệt.
Vấn đề vẫn là tiền. Vòng loại World Cup trải dài hàng chục quốc gia, trong đó có những nền bóng đá hầu như chỉ ra sân "cho đủ tụ" như Luxembourg, Moldova..., nên sự đầu tư cần phải hợp lý. Cơ sở vật chất cho thể thao, các kỳ World Cup, các kỳ Olympic luôn bị đem ra làm ví dụ cho sự lãng phí. Nếu không tính toán, VAR có thể cũng đi vào vết xe đổ.
Tương tự là Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Cup). Một giải đấu mà cầu thủ phải cày ải trên nhiều mặt sân như bãi ruộng và phải luôn vật vã tìm kiếm nhà tài trợ, thuyết phục các cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài trở về thi đấu..., liệu có cần đến công nghệ tối tân trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng này?
Đẳng cấp có trước, công nghệ theo sau có lẽ là phương châm mà bóng đá Đông Nam Á nên áp dụng.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dang-cap-co-truoc-cong-nghe-var-theo-sau-20221229084950964.htm