18
/
126361
World Cup 2026 - Mơ nhiều hơn thực!
world-cup-2026-mo-nhieu-hon-thuc
news

World Cup 2026 - Mơ nhiều hơn thực!

Thứ 2, 11/04/2022 | 14:06:03
246 lượt xem

Đặt chân vào vòng loại tranh vé đi World Cup 2022 có phải là điểm dừng của bóng đá Việt Nam?

Quang Hải trong trận Việt Nam gặp Oman vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Quang Hải trong trận Việt Nam gặp Oman vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Đặt câu hỏi như thế bởi thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo sau đó hụt hơi trong nhiều chiến dịch, vừa sức như AFF Cup 2020 hay quá tầm như vòng loại thứ 3 World Cup của châu Á gần đây.

Khoảng cách quá lớn

Đội tuyển Việt Nam làm nên lịch sử khi giành suất tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo được ngợi khen, đặc biệt sau chiến thắng trước đội tuyển Trung Quốc trên sân nhà và kiếm được 1 điểm trên sân đội bóng rất mạnh là Nhật Bản. Nhưng chừng đó là quá ít để khoả lấp khoảng cách mênh mông về chuyên môn, giữa đội tuyển Việt Nam và nhóm các đội bóng mạnh của châu lục.

Sau chiến công vượt qua vòng đấu loại thứ 2 World Cup 2022, nhiều nhà chuyên môn tỉnh táo nhận định, vòng loại thứ ba rõ ràng là sân chơi quá tầm với đội tuyển Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Sự mơ mộng về hình ảnh “những chiến binh áo đỏ” xung trận ở mùa Đông tại Qatar có lẽ chỉ đến từ nhóm cổ động viên quá lạc quan.

Thực tế, 10 trận đấu khốc liệt ở vòng 3 đã soi chiếu một cách công tâm, chính xác nhất năng lực của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo.

Đội tuyển Việt Nam giành được 4 điểm, đứng bét bảng. Trong khi đó, đội đứng đầu bảng là Ả-rập Xê-út với 23 điểm, Nhật Bản đứng thứ 2 với 22 điểm. Australia giành vé vớt có trong tay 15 điểm. Ngay cả đội đứng thứ 4, đội tuyển Oman có 14 điểm, nhiều hơn 3,5 lần so với đội tuyển Việt Nam. Chúng ta chỉ tiệm cận về điểm số, ở vòng loại thứ 3 lần này với đội tuyển Trung Quốc, đội bóng liên tục đối mặt với bất ổn và khủng hoảng nên chỉ đuợc 6 điểm sau 10 trận đấu.

Đội tuyển Việt Nam ghi được 8 bàn, trong đó có các trận chọc thủng lưới Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Oman và Trung Quốc; và để thua 19 bàn, quá nửa trong số đó là tình huống bóng bổng. Nhiều bàn thua của đội tuyển Việt Nam là hệ quả của trạng thái non kinh nghiệm, hoặc những quả phạt đền không đáng có của một “tân binh” sân chơi đỉnh cao như vòng loại cuối World Cup.

Hàng phòng ngự từng bất bại sau 5 lượt trận vòng loại thứ 2 đã liên tiếp thủng và vỡ khi đụng độ các đội bóng lớn của châu lục. Những bàn thua, thất bại đến ngày một nhiều từ các trận cuối vòng loại 2 cho đến 10 trận vòng loại 3.

Huấn luyện viên Park Hang Seo trong cuộc họp báo sau trận gặp Nhật Bản.

Nhìn lại hành trình vòng loại thứ ba World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã chơi hiệu quả trong 2 trận gặp đội tuyển Trung Quốc. Thầy trò huấn luyện viên Park thua đáng tiếc ở trận lượt đi 2-3 với vô số những sai lầm cá nhân, chiến thuật nhưng đòi lại món nợ bằng chiến thắng 3-1 trên sân nhà.

Mặc dù vậy, bóng đá Trung Quốc đang bất ổn và với những gì đội bóng này đã thể hiện, đội tuyển Trung Quốc vừa qua không đủ lực để cạnh tranh giành vé đi World Cup. Sự “chìm sâu” của đội tuyển Việt Nam (4 điểm) và đội tuyển Trung Quốc (6 điểm) ở vòng loại thứ 3 cho thấy sự phân hóa sâu sắc về trình độ của bóng đá châu lục.

Huấn luyện viên Park Hang Seo cùng thế hệ cầu thủ tài năng, đang vào độ chín của Việt Nam đã lập rất nhiều chiến công. Mặc dù vậy, sau vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khép lại, khả năng bóng đá Việt Nam đi đến đâu ở vòng loại các kỳ World Cup vẫn khá mơ hồ. Sau cú “đề pa” ấn tượng ở Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, bóng đá Việt Nam hầu như chưa có sự chuyển động cùng với thành tích sau đó của các đội tuyển quốc gia. Nền móng đào tạo trẻ, giải vô địch quốc gia vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn đi xuống để hiện tại, ông Park và nhiều chuyên gia liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tuyến kế cận.

Tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2019, diễn ra ở UAE, đội tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 0-1 ở tứ kết. Và bây giờ, chúng ta chia điểm ngay trên sân Nhật Bản sau khi có bàn thắng vượt lên dẫn trước.

Tuy nhiên, 3 năm qua, người Nhật vẫn đang là thế lực của bóng đá châu Á, trong khi bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu đi xuống về nhiều mặt. Ông Park và các học trò đã thất bại ở vòng chung kết U23 châu Á 2020, thua ở bán kết AFF Cup 2020 và khả năng bảo vệ chức vô địch SEA Games sắp tới còn ẩn chứa nhiều nguy cơ. Vậy nên, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 giúp bóng đá Việt Nam biết mình đã đi đến giới hạn nào? 

Thanh Bình (14) ghi bàn vào lưới đội tuyển Nhật Bản trong trận cuối vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Để giấc mơ thành hiện thực?

Giải đấu lớn tiếp theo của đội tuyển Việt Nam là World Cup 2026, nơi mà Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tăng số đội tham dự từ 32 lên 48. Trong đó, châu Á có 8 suất, thay vì 4,5 suất như World Cup 2022. Sự thay đổi của FIFA mang tính bước ngoặt để đem đến cơ hội dự World Cup và sự phát triển cho các nền bóng đá trung bình và nhỏ.

Và cần phải nhấn mạnh đến vấn đề “cơ hội”, bởi muốn tận dụng để đi World Cup thì các liên đoàn bóng đá quốc gia phải đầu tư mạnh mẽ, trên nhiều mặt. Từ nhân sự cho đến kinh tế. Nếu làm bài bản, khoa học, thì ngay cả thất bại ở chiến dịch World Cup thì các nền bóng đá nhỏ, trung bình cũng có thể được cải thiện đáng kể và nâng tầm trên nhiều phương diện. Và sự phát triển, ổn định của một nền bóng đá được đánh giá qua nhiều tiêu chí, nhiều giải đấu, mà trong đó World Cup chỉ là một tiêu chí dù nó được đặt ở vị trí đầu tiên và trang trọng.

Với bóng đá Việt Nam, để giấc mơ World Cup 2026 trở thành hiện thực, đội tuyển quốc gia cần có sự đột phá về mặt lối chơi sau những va vấp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Điều đó phụ thuộc vào huấn luyện viên Park Hang Seo. Các tuyển thủ Việt Nam cần học hỏi cách chơi bóng trên mặt biển sóng to, gió lớn. Những hành động bản năng, tự phát hoặc kiểu tiểu xảo “trẻ con” vẫn đang tồn tại ở các giải đấu “ao làng” như SEA Games, AFF Cup hay giải vô địch quốc gia (V-League) cần phải bị loại bỏ từ trong nhận thức cho đến hành động trên sân. Đội tuyển Việt Nam đã nhiều lần phải trả giá đắt vì những kiểu chơi bồng bột như thế.

Chiến thuật của đội tuyển cũng cần có sự uyển chuyển, chặt chẽ hơn và hiện đại hơn, thay vì bó buộc vào tâm thế của đội cửa dưới để rồi chỉ biết phòng ngự hay phá bóng. Sơ đồ 3 trung vệ, với các biến thể như 3-5-2, 3-4-3 và 3-4-1-2 của ông Park xây dựng nhiều năm qua chưa có được sự ổn định cần thiết trước những đội bóng thuộc nhóm đầu châu lục. Nhiều trận, hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam rối loạn, tính tổ chức lỏng lẻo. Các cầu thủ tuyến trên gần như đánh mất mối liên hệ với tuyến dưới. Sự sụp đổ là hệ quả tất yếu.

Về mặt vĩ mô, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong vai trò quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ, đặc biệt là tính định hướng  để sản sinh nhiều thế hệ cầu thủ tiềm năng. Những Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Văn Thanh… trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia khi họ còn rất trẻ, vào thời điểm rất nhiều cầu thủ đàn anh đang sung sức. Nhưng sự trưởng thành nhanh chóng của lứa U23 năm 2018 đã đánh bật lứa đàn anh, điều đó tạo ra sự cạnh tranh chất lượng để nâng tầm đội tuyển quốc gia, đồng thời giúp bóng đá Việt Nam gặt hái vô số thành công trong những năm gần đây.

Huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò đã thiết lập kỷ lục, giành suất vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Tuy nhiên, ở vòng loại thứ 2, chúng ta chỉ “bắt nạt” được các đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á. 2 trận hoà Thái Lan, cùng tỷ số 0-0, 4 chiến thắng trước Malaysia và Indonesia sau 2 lượt trận đi và về mới là điều kiện đưa đội tuyển Việt Nam vào vòng 3. UAE, đội bóng thuộc nhóm 2 châu Á đã vượt qua Việt Nam để giành ngôi đầu bảng của vòng 2 một cách thuyết phục và xứng đáng.

Ngay cả với Thái Lan, đội tuyển Việt Nam đã san bằng kỷ lục đội bóng Đông Nam Á giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup và thiết lập kỷ lục chiến thắng sau khi đánh bại đội tuyển Trung Quốc, song bóng đá Thái Lan vẫn mang đến cho ông Park và các học trò cảm giác bất an. Đội bóng xứ chùa Vàng gần đây đánh bại đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup và trong những chặng đường tiếp theo, người Thái vẫn sẽ là đối thủ cực kỳ khó khăn của chúng ta.

Nhìn ra diện rộng, Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, UAE và Australia ở vào đẳng cấp rất cao. 6 suất của châu Á tham dự World Cup khó thoát khỏi tay 6 đội bóng đại gia này. Nếu có sự bất ngờ nào đó, thì chỉ nằm ở UAE. Phần còn lại của châu Á sẽ đua tranh 2 hoặc 3 suất đi Bắc Mỹ năm 2026. Đội tuyển Việt Nam sẽ đụng độ rất nhiều thứ dữ, đó là Uzbekistan, Kyrgyzstan, Oman, Syria, Qatar, Iraq, hay Jordan… những đội bóng vẫn luôn thắng nhiều hơn thua khi đụng độ với đội tuyển Việt Nam.

Độ tuổi trung bình của đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Nhật Bản vừa qua xấp xỉ 26, nghĩa là khi chinh phục World Cup 2026, các trụ cột đều ở mức 28-29 trở lên. Về lý thuyết, đây vẫn là độ tuổi còn đóng góp tốt ở các nền bóng đá tiên tiến. Nhưng với tố chất người Việt Nam, điều kiện chăm sóc sức khoẻ, khoa học thể thao còn nhiều hạn chế thì không nhiều cầu thủ còn duy trì được đỉnh cao phong độ, nhất là bước ra cuộc chơi khốc liệt như vòng loại World Cup. Trong khi đó, lứa U23 hay U21, mới vô địch U23 Đông Nam Á, theo các chuyên gia, rất khó đạt tầm như lứa đàn anh từng giành suất dự World Cup U20 năm 2017 hay vòng chung kết U23 châu Á 2018.

Trước khi hướng đến suất dự World Cup 2026, việc có góp mặt ở vòng loại thứ ba gồm 12 đội mạnh nhất châu lục cũng là mục tiêu không dễ dàng với bóng đá Việt Nam. Để tái lập được thành tích này, cả hệ thống của bóng đá Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều, trong đó cụ thể là VFF, huấn luyện viên Park Hang Seo nếu ông ở lại và hệ thống đào tạo trẻ.

“Bóng đá Việt Nam còn thiếu rất nhiều thứ. Dù hòa Nhật Bản, nhưng chúng ta còn thiếu rất nhiều điều để phát triển bóng đá. Trong tương lai, khi kinh tế đi lên, tiềm năng bóng đá Việt Nam sẽ phát triển hơn. Để tham gia vòng loại World Cup, chúng ta phải chờ 4 năm nữa. Bây giờ phải tính như thế nào để vòng loại World Cup tiếp theo, tuyển Việt Nam có kết quả tốt hơn chứ không thể để thời gian trôi qua vô định. Chúng ta nhìn lại cần làm thế nào để xây dựng hệ thống. Bốn năm nữa, tôi không biết còn ở Việt Nam hay không. Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam cần xây dựng mặt hành chính, cấu trúc, hỗ trợ cho cầu thủ, cho cầu thủ trải nghiệm như thế này để phát triển”. - Huấn luyện viên Park Hang Seo

Theo Quang Nam/GD&TĐ 

https://giaoducthoidai.vn/the-thao/world-cup-2026-mo-nhieu-hon-thuc-xXyVG287R.html

  • Từ khóa

Đội tuyển Việt Nam đón tin kém vui từ đối thủ Hàn Quốc

Đội tuyển Việt Nam đứng trước nỗi lo về chất lượng "quân xanh" trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc.
07:35 - 25/11/2024
38 lượt xem

Việt Nam lần đầu có tác giả được Routledge xuất bản sách khoa học thể thao

Sau 2 năm nghiên cứu và sáng tạo, tiến sĩ Nguyễn Trà Giang (Dr. Jane Nguyen) đã cho ra mắt cuốn sách đặc biệt với chủ đề nghiên cứu về mô hình thể...
16:26 - 24/11/2024
397 lượt xem

Đi tìm thủ lĩnh cho đội tuyển Việt Nam: Anh là ai, mau xuất hiện đi!

Đội tuyển Việt Nam cần một thủ lĩnh để đốc thúc các cầu thủ ở trên sân trong những tình huống khó khăn. Trong số những ngôi sao mà đội tuyển đang có, một...
09:14 - 24/11/2024
607 lượt xem

Nóng bỏng ở tứ kết UEFA Nations League

Có tới 3 trong 4 cặp tứ kết UEFA Nations League 2024-2025 từng đụng độ tại chung kết World Cup trong quá khứ.
08:36 - 23/11/2024
1,182 lượt xem

Messi ảnh hưởng đến ghế nóng Inter Miami, Xavi có ý định từ chối

Ghế nóng tại Inter Miami nhiều khả năng được quyết định bởi Messi khi các lựa chọn hàng đầu điều có liên hệ mật thiết với siêu sao Argentina.
16:08 - 22/11/2024
1,566 lượt xem