Liên tiếp bị giới truyền thông Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc chế giễu, báo Trung Quốc đã chấp nhận sự thật về đội tuyển quốc gia.
Trong thời gian qua, việc đội tuyển Trung Quốc triệu tập 5 cầu thủ nhập tịch là Ke (tên thật là Yennaris), Elkeson, Alan, Fernandinho, Tyias Browning là chủ đề nóng trên khắp mặt báo ở châu Á.
Tờ Sohu thừa nhận sức mạnh của đội tuyển Trung Quốc suy yếu.
Không chỉ giới truyền thông Việt Nam mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tiếng chế giễu đội tuyển Trung Quốc nhập tịch quá nhiều.
Trước tình hình đó, tờ Sohu có bài viết: "Mọi thứ thật tệ! Giới truyền thông Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đều chế giễu việc đội tuyển Trung Quốc sử dụng 5 cầu thủ nhập tịch".
Dân trí xin lược dịch bài viết của tờ Sohu.
"Kể từ khi đội tuyển Trung Quốc công bố danh sách tập trung, cả châu Á đã đưa ra những lời chế giễu. Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Trung Quốc triệu tập tới 5 cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển quốc gia.
Giới truyền thông Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều có góc nhìn không mấy lạc quan về đội tuyển Trung Quốc. Báo giới Việt Nam cho rằng chất lượng của các cầu thủ Trung Quốc đã xuống dốc trong những năm qua. Tuy nhiên, tham vọng của bóng đá Trung Quốc lại cực lớn. Do đó, chúng ta mới phải liên tiếp nhập tịch cầu thủ.
Đội tuyển Trung Quốc bị chế giễu khi tập trung 5 cầu thủ lên đội tuyển quốc gia.
Tất nhiên, bóng đá Việt Nam có quyền chế giễu đội tuyển Trung Quốc. Họ đang dần lớn mạnh trong những năm qua. Ở Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam đã lọt vào top 8. Cũng trong năm đó, Olympic Trung Quốc đã để thua Olympic Việt Nam trên sân nhà. Ở trận đấu đó, đội Olympic Trung Quốc hoàn toàn lép vế và không có cơ hội.
Báo giới Hàn Quốc cũng chú ý tới sự kiện này. Họ cho rằng Wu Lei không mặn mà với việc từ bỏ giải đấu đỉnh cao ở Tây Ban Nha để trở về tập trung đội tuyển quốc gia không nằm trong top 40 thế giới.
Giới truyền thông Nhật Bản cũng chú ý tới 5 cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Trung Quốc. Cư dân mạng của Nhật Bản bình luận: "Khách quan mà nói, ngay cả khi triệu tập 5 cầu thủ nhập tịch, đội tuyển Trung Quốc vẫn khó lòng có thể giành vé dự World Cup. Suy cho cùng, bóng đá là môn thể thao đồng đội. Nếu bóng đá Trung Quốc không chịu thay đổi thì ngay cả khi có thêm cầu thủ nhập tịch cũng chưa chắc vượt qua được đội tuyển Nhật Bản hay Iran".
Đội tuyển Trung Quốc đang phải chịu áp lực rất lớn. Áp lực này không chỉ tới từ sự chế giễu của giới truyền thông châu Á mà còn từ chính nội bộ.
Thứ nhất, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã nhiều lần nhượng bộ, nhưng điều này ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển cầu thủ trẻ. Hiếm có giải đấu nào như giải VĐQG Trung Quốc khi trận đấu giữa Guangzhou và Bejing Guoan ở vòng 5 đã phải hoãn lại do có quá nhiều trụ cột lên tập trung đội tuyển quốc gia.
Thầy trò HLV Li Tie chịu nhiều sức ép về thành tích.
Không những vậy, thời lượng và số buổi tập của đội tuyển Trung Quốc thuộc hàng số 1 thế giới. Ngay cả khi thi đấu với đối thủ lót đường như Maldives, đội tuyển quốc gia cũng phải tập huấn dài hạn.
Cuối cùng, nếu như triệu tập tới 5 cầu thủ nhập tịch trong đội hình mà đội tuyển Trung Quốc không thể lọt vào top 40 thế giới thì thật đáng xấu hổ. Mục tiêu của bóng đá Trung Quốc là giành vé tham dự World Cup 2022 ở Qatar nhưng trước khi triệu tập cầu thủ nhập tịch lên tuyển, chúng ta còn để đối thủ yếu như Philippines cầm hòa và thua cả Syria. Tới mức, HLV Lippi chán nản và phải từ chức".
Hiện tại, đội tuyển Trung Quốc đang xếp thứ 2 bảng A với 7 điểm, kém đội đầu bảng Syria 8 điểm nhưng thi đấu ít hơn 1 trận. Họ sẽ tổ chức các trận đấu còn lại ở bảng A (diễn ra ở Tô Châu). Hy vọng giành vị trí đầu bảng của Trung Quốc là rất thấp. Tuy nhiên, họ có thể kỳ vọng đi tiếp thông qua việc nằm trong nhóm 5 đội nhì bảng xuất sắc nhất.
Theo H.Long/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-thao/bao-trung-quoc-bong-da-viet-nam-lon-manh-co-quyen-che-gieu-20210517132129385.htm