Do đại dịch Covid-19 khiến Olympic Tokyo bị hoãn từ năm 2020 sang 2021. Vì thế nhiều vận động viên đang bị ảnh hưởng nặng nề cả về tài chính lẫn tinh thần...
Vất vả công cuộc mưu sinh
Ryo Miyake từng giành huy chương bạc tại Thế vận hội London 2012. Việc tập luyện của Miyake tạm dừng vài tháng khi Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào mùa xuân năm 2020. Không tập luyện đồng nghĩa không có tiền trợ cấp, vì thế Miyake bắt buộc sử dụng tiền tiết kiệm để sinh sống.
Không chấp nhận phải sử dụng những đồng tiền vất vả tích lũy mới có, vận động viên đấu kiếm của Nhật Bản gạt bỏ sĩ diện để đầu quân cho Uber Eats, một đơn vị vận chuyển đồ ăn, nhằm kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình.
Miyake đi giao đồ ăn để kiếm thêm thu nhập.
Miyake cũng chia sẻ vui rằng, việc đạp xe giao hàng cũng là một cách tập luyện, giúp anh giữ được thể trạng tốt cho một vận động viên. Những vận động viên phải làm thêm kiếm tiền mưu sinh như Miyake không phải hiếm. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nhiều vận động viên đã phải vật lộn để kiếm sống, bằng những công việc bán thời gian và toàn thời gian để nuôi dưỡng ước mơ thể thao của họ.
Trong một báo cáo được công bố bởi nhóm vận động viên Global Athlete năm ngoái, 58% trong số gần 500 vận động viên ưu tú được khảo sát cho biết họ không cảm thấy ổn định về tài chính. Miyake cho biết phần lớn những vận động viên đấu kiếm ở Nhật Bản phải đi làm thêm. Như Miyake trước đây đã làm việc cho một công ty đồng hồ.
Hiện tại, Miyake đã trở lại luyện tập chuẩn bị cho Olympic vào mùa hè 2021, tiền trợ cấp cũng được khôi phục, nhưng những thách thức về thể chất và tinh thần vẫn còn.
Miyake cho biết: "Mọi chuyện rất khó khăn. Sau tất cả, Thế vận hội giống như Chúa, một sự tồn tại tuyệt đối dành cho các vận động viên. Quãng thời gian chờ dự Olympic giống như chạy marathon suốt trong bốn năm, thêm một năm nữa giống như chúng ta phải tiếp tục chạy trước khi đạt được mục tiêu".
Ngay cả khi có phụ cấp, Miyake vẫn phải đi làm thêm để nuôi sống gia đình.
Theo chia sẻ của ông Callum Lea, người sáng lập tổ chức từ thiện Sporting Minds UK chuyên hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các vận động viên, số lượng vận động viên yêu cầu giúp đỡ đã tăng lên theo cấp số nhân trong đại dịch.
Đặc biệt, ngày càng có nhiều vận động viên Olympic liên hệ với tổ chức của ông, vì đại dịch tạo ra sự không chắc chắn và lo lắng.
"Họ phải vượt qua không chỉ mức độ luyện tập, những vận động viên này đang làm việc sáu, bảy ngày một tuần và còn phải giữ cho tinh thần luôn khao khát và được thúc đẩy, cố gắng hướng tới một mục tiêu chưa thực sự cố định. Điều đó thực sự rất khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ", ông Lea cho biết.
Thế vận hội trong thời kỳ Covid-19
Olympic Tokyo bắt đầu diễn ra từ ngày 21/7 tới ngày 2/8. Hôm thứ Bảy (27/3), Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 cho biết khán giả quốc tế sẽ bị từ chối cho nhập cảnh vào Nhật Bản để theo dõi Olympic và Paralympic mùa hè này.
"Hiện tại, tình hình Covid-19 ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn còn phức tạp, một số chủng loại biến thể đã xuất hiện, trong khi việc đi lại quốc tế vẫn bị hạn chế nghiêm trọng trên toàn cầu", thông báo cho biết.
Người cầm đuốc Olympic Hiroguchi Takao đón ngọn lửa ở thành phố Iwaki vào ngày đầu tiên trong lễ rước đuốc Olympic (25/3/2021), Fukushima, Nhật Bản.
Hơn 11.000 vận động viên từ hơn 200 quốc gia dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào mùa hè này tham dự Olympic trong điều kiện tổ chức kiểm soát chặt chẽ với nhiều hạn chế.
Những hành động thể hiện tinh thần thể thao như bắt tay, đập tay hay ôm đều bị cấm tại Olympic, các vận động viên sẽ không thể xem đồng đội của họ tại các địa điểm thi đấu.
Theo Ủy ban Olympic Quốc tế, các lễ khai mạc và bế mạc thường hoành tráng và công phu, nhưng lần này sẽ được đơn giản hóa. Những người tham gia Olympic sẽ được kiểm tra Covid-19 thường xuyên và việc đi lại của họ sẽ bị hạn chế mạnh.
Với 25 tỷ đô la Mỹ, đây đã là Thế vận hội mùa hè tốn kém nhất trong lịch sử trước khi bị trì hoãn. Tuy nhiên, với điều kiện tổ chức không khán giả, không du lịch, dịch vụ phụ trợ, hợp đồng thương mại giảm mạnh khiến cho nước chủ nhà Nhật Bản đứng trước nguy cơ mất hàng chục tỷ đô la, cũng như mất cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch của Nhật Bản.
Bản thân các vận động viên cũng không thoải mái khi phải thi đấu trong điều kiện thi đấu bị hạn chế, giãn cách xã hội như vậy. Tại các địa điểm thi đấu, người hâm mộ không được hò hét, hát hò, cổ vũ cho các vận động viên.
"Tôi cảm thấy rất buồn", vận động viên trượt tuyết Akiyo Noguchi nói. "Tôi muốn tham dự Thế vận hội vì tôi muốn thể hiện màn trình diễn tốt nhất trước gia đình và những người đã ủng hộ tôi cho đến nay, nhưng đó sẽ không phải là hình thức thi đấu mà tôi đã tưởng tượng ra".
Theo Hạo Minh/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-thao/van-dong-vien-vat-va-muu-sinh-thap-thom-cho-olympic-20210330093951389.htm