Võ thuật truyền thống Trung Quốc từng được xem là niềm tự hào của quốc gia này. Tuy nhiên, trong những năm qua, các môn phái ở Trung Quốc đang dần mất vị thế bởi sự vươn lên của võ hiện đại.
Trong hàng nghìn năm qua, võ thuật truyền thống Trung Quốc vẫn có chỗ đứng và sự tôn trong nhất định ở đất nước này cũng như trên thế giới. Võ thuật được xem là công cụ để những người Trung Quốc bảo vệ bản thân và xa hơn là bảo vệ lãnh thổ.
Trong những năm qua, Từ Hiểu Đông đã vạch mặt không ít "võ sư rởm" của Trung Quốc.
Thậm chí, kung fu (trên gọi chung của võ học truyền thống Trung Quốc) còn được xem là môn võ lâu đời bậc nhất thế giới và là nền tảng cho nhiều môn võ sau này. Còn nhớ, năm 1936, đội võ thuật truyền thống của Trung Quốc còn biểu diễn tại Olympic tại Berlin.
Tuy nhiên, theo dòng chảy của lịch sử, các môn võ truyền thống Trung Quốc đang dần lạc hậu. Những năm gần đây, một võ sĩ MMA có tên Từ Hiểu Đông đã thách đấu với nhiều hậu duệ của các môn phái võ truyền thống Trung Quốc và giành những chiến thắng dễ dàng.
Nhiều tờ báo nhận định, các võ sư võ truyền thống Trung Quốc "tuyên bố như sấm sét" nhưng lại thể hiện lối đánh "như học sinh tiểu học". Điều này càng làm giảm uy tín của võ học truyền thống ở đất nước này. Năm 2011, một vài môn võ Trung Quốc từng được đề cử đưa vào nội dung thi đấu ở Olympic 2014 nhưng tới năm 2013, Ban tổ chức đã từ chối tất cả.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự xuống dốc thảm hại này của võ học truyền thống Trung Quốc?
Theo lý giải của chuyên gia Tao Feng trên tờ Beijing Business Today, việc các võ sư Trung Quốc quá bảo thủ trong việc truyền dạy võ công, khiến cho võ thuật Trung Quốc không được truyền bá mạnh mẽ như các môn võ "thương mại" hơn như taekwondo, karate...
Nhiều quan điểm cho rằng các võ sư Trung Quốc quá bảo thủ trong việc truyền bá võ công, khiến cho võ Trung Quốc ngày càng mai một.
Ông chia sẻ: "Taekwondo được truyền bá trên khắp thế giới, với tư tưởng rộng mở. Tuy nhiên, các võ sư võ truyền thống Trung Quốc lại giữ tư tưởng khá bảo thủ. Họ chỉ truyền dạy những bí kíp võ công cho những người trong gia đình hay thân tín. Do ít được truyền bá nên võ thuật Trung Quốc cứ thế mai một dần.
Đơn cử như đại hội võ thuật Trung Quốc tổ chức. Chỉ có một lượng nhỏ người được tham gia vì có quá nhiều quy tắc khắt khe. Giải đấu cũng không thể thu hút được khán giả".
Cũng bởi lẽ đó, theo ông Tao Feng, bước đầu tiên để võ thuật Trung Quốc cứu lấy chính mình là phải vén bức màn bí ẩn và hoạt động theo mô hình hiện đại hơn. Cũng bởi sự bí ấn ấy, không ít võ sư "giả mạo" đã nhân danh các môn phái truyền thống để lừa đảo người hâm mộ, dù cho họ không có chút căn bản nào về võ công.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Que Huafeng, võ thuật Trung Quốc đang dần mất đi tính thực chiến. Những người tập luyện võ thuật truyền thống chỉ nằm mục đích tăng cường sức khỏe, chứ không phải để chiến đấu. Triết lý căn bản của kung fu cũng coi trọng việc rèn luyện sức khỏe, tự vệ... chứ không phải là chiến đấu.
Võ Trung Quốc chỉ ưu tiên rèn luyện sức khỏe và trình diễn, chứ không có tính thực chiến.
Chia sẻ trên Nhân Dân Nhật Báo, chuyên gia Bai Long cũng có nhận định tương tự: "Các môn võ chiến đấu hiện tại, trong đó có MMA, được hướng tới phát triển như môn võ dùng để chiến đấu, thực chiến trên võ đài. Các quy tắc của họ trong đào tạo, tập luyện cũng hướng tới việc phải hạ gục đối thủ càng nhanh, càng tốt.
Do đó, để lấy lại vị thế, những người đào tạo võ thuật truyền thống Trung Quốc cũng không thể tách rời xu thế này. Họ phải biến nó thành môn thể thao đối kháng hiện đại, chứ không chỉ để rèn luyện sức khỏe".
Thực tế, quan điểm này từng được Từ Hiểu Đông nhấn mạnh: "Các võ sĩ quốc tế ở trình độ cao hơn so với chúng tôi. Chưa có võ sĩ Trung Quốc nào gặt hái được thành công. Chúng ta cần nhìn ra thế giới, chứ không thể ôm khư khư những hào quang trong quá khứ".
Việc chưa coi trọng tính đối kháng khiến cho những võ sư truyền thống Trung Quốc chưa thực sự coi trọng vấn đề thể hình. Như tờ Martialtribes chỉ ra rằng những võ sư Trung Quốc luôn gặp bất lợi về thể hình khi thượng đài với võ sĩ MMA. Điều đó khiến họ thua ngay từ khi chưa thượng đài.
Danny Horgan, một nhà báo tới Boston, lại có quan điểm rằng các võ sư Trung Quốc rất ngại thượng đài hay thực chiến bởi họ không mạo hiểm với danh tiếng của mình (nếu như thua trận). Đó cũng là quan điểm của bình luận viên Joe Rogan của UFC. Ông cũng cho rằng với những võ sư truyền thống Trung Quốc, danh tiếng luôn được coi trọng. Vì thế, họ rất ngại thượng đài vì sợ bị chế giễu. Vì thế mà khả năng thực chiến của võ Trung Quốc ngày càng bị mai một.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/vi-sao-vo-truyen-thong-trung-quoc-truot-doc-the-tham-20210311124254862.htm#dt_source=Cate_TheThao&dt_campaign=Cover&dt_medium=1