Những ngày này, không khí ôn luyện vào lớp 10 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra căng thẳng hơn bao giờ hết. Với tỷ lệ cạnh tranh cao, chỉ khoảng 60-70% số học sinh có cơ hội vào trường công lập, nhiều gia đình phải tính toán phương án dự phòng; đau đầu với áp lực tìm trường và nỗi lo tài chính cho con.
Học sinh lớp 9 khẩn trương ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp.
Cửa trường công chật hẹp
Tại Hà Nội, năm nay có khoảng 127.000 học sinh lớp 9 nhưng hệ thống trường THPT công lập chỉ tiếp nhận khoảng 79.000 em, còn lại 48.000 học sinh sẽ vào các trường tư thục hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số học sinh lớp 9 năm nay là 90.000, trong đó chỉ có khoảng 70.000 suất học công lập. Thực trạng này khiến áp lực thi cử tăng cao, khi hàng chục nghìn học sinh đối mặt với nguy cơ không có suất vào trường công lập.
Ngoài việc ôn luyện để giành suất vào các trường công lập, nhiều gia đình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn phải tính toán phương án ghi danh vào các trường tư để bảo đảm con có chỗ học. Nhiều trường tư thục có tỷ lệ cạnh tranh cao không kém gì trường công. Một số trường tuy học bổng và chương trình đào tạo tốt, nhưng đòi hỏi người nhà học sinh phải nộp phí giữ chỗ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Nhà giáo Hoàng Thị Mận, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Newton Hà Nội cho biết: “Năm 2024, chúng tôi chỉ mở một lớp học bổng GO với 30 học sinh xuất sắc, nhưng năm nay dù chưa mở cổng tuyển sinh, đã có rất nhiều gia đình tìm hiểu và nộp hồ sơ”. Theo Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh Hà Nội Nguyễn Quốc Bình, học sinh muốn vào trường này phải có kết quả học tập bốn năm ở THCS đạt loại tốt, tham gia kỳ thi vào lớp 10 và nếu thi học bổng Văn Như Cương sẽ được cộng điểm xét tuyển.
Tuy nhiên, cũng như hầu hết các trường tư thục khác, cả hai trường nêu trên đều có quy định gia đình học sinh phải đóng phí ghi danh. Nếu học sinh không nhập học, có thể chỉ được hoàn lại một phần hoặc mất toàn bộ số tiền. Một số trường tư có học phí lên đến hơn 100 triệu đồng/năm, khiến các gia đình phải cân nhắc tài chính kỹ lưỡng. Chị Nguyễn Thị Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Gia đình tôi đã phải vay tiền để đóng phí giữ chỗ cho con vào một trường tư, phòng trường hợp không trúng tuyển trường công lập. Đây là khoản tiền không nhỏ với nhiều gia đình có thu nhập trung bình”.
Căng thẳng ôn luyện
Không chỉ các bậc cha mẹ, học sinh lớp 9 cũng đang trải qua giai đoạn học tập vất vả nhất. Nhiều em học từ sáng đến khuya, tham gia các lớp luyện thi cấp tốc để nâng cao điểm số. Phạm Trương Minh Khôi, học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Mỗi ngày em đều học đến 1, 2 giờ, mong rằng đề thi sẽ không quá khó để em có cơ hội vào trường mong muốn”. Em Đào Minh Hằng, bạn học cùng lớp với Khôi cho biết, một số bạn không tự tin trúng tuyển trường công cho nên đã tính đến phương án học nghề.
Do quy định cấm dạy thêm trong trường học, nhiều học sinh tìm đến các trung tâm luyện thi bên ngoài. Ông Nguyễn Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thăng Long (Hà Nội) nhận xét: Năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh phải thay đổi cách học, từ học thuộc sang tư duy logic. Giáo viên cũng phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp đề thi mới. Một số trường THCS đã chủ động tổ chức các lớp ôn luyện miễn phí để hỗ trợ học sinh.
Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) triển khai mô hình “Tiết 0”, giúp học sinh ôn tập thêm 45 phút trước giờ học chính khóa. Em Nguyễn Thủy Tiên chia sẻ, “Tiết 0” giúp em có thêm thời gian luyện bài khó, nắm vững kiến thức. Cô giáo Ngữ văn Đinh Thu Trang cho biết, số lượng học sinh mỗi lớp ôn tập không quá đông giúp giáo viên kèm cặp từng bạn tốt hơn. Đây là điều rất cần thiết trong giai đoạn nước rút.
Ngoài các lớp học chính, một số trường đã tổ chức ôn tập trực tuyến qua các nền tảng như Zoom, Google Classroom giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Dù đã chuẩn bị nhiều phương án, học sinh lớp 9 vẫn phải đối mặt với kỳ thi quan trọng vào đầu tháng 6 tới đây.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dân số tăng cơ học, các quận như Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức vẫn đang thiếu trường công lập khiến nhiều gia đình lo lắng. Chị Võ Thị Thể (quận Bình Tân) chia sẻ: “Mong thành phố xây thêm trường lớp để giảm áp lực, chứ học trường tư thì gia đình tôi không đủ điều kiện”.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, năm học 2025-2026, thành phố sẽ khởi công xây dựng 79 trường học mới nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số. Tương tự, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết, trong giai đoạn 2025-2030, Thủ đô sẽ xây dựng thêm từ 30-35 trường THPT công lập để phục vụ nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh.
Việc xây dựng thêm trường học là một giải pháp quan trọng nhằm giảm bớt tình trạng thiếu trường công lập, mang đến nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thể giải quyết triệt để áp lực thi cử vào lớp 10.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT năm 2019 với ba phương thức tuyển sinh vào lớp 10: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp xét tuyển với thi tuyển, nhưng phần lớn các địa phương vẫn chủ yếu lựa chọn phương thức thi tuyển vì sự đơn giản và thuận tiện trong việc đánh giá học sinh qua điểm số. Thực tế này cho thấy, mặc dù có những nỗ lực giảm áp lực thi cử, nhưng các giải pháp hiện tại vẫn chưa đủ để thay đổi cơ bản cách thức tuyển sinh và giáo dục. Việc duy trì phương thức thi tuyển chủ yếu vì dễ thực hiện, chứ không phải vì lợi ích lâu dài của học sinh.
Phương thức này chưa thật sự phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, khi khẳng định sự cần thiết phải đổi mới giáo dục toàn diện, bao gồm cả phương thức dạy học và thi cử.
Theo Thu Trang/ Nhân dân
https://nhandan.vn/tuyen-sinh-lop-10-voi-thach-thuc-can-giai-quyet-post870800.html