Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong giáo dục, thời gian qua, toàn ngành giáo dục đang tích cực thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, tiến tới triển khai ở tất cả cấp học. Đây là giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện tại các cơ sở giáo dục.
Tập huấn sử dụng học bạ số cho cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. (Ảnh MINH PHƯỢNG)
Báo cáo đánh giá kết quả thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Thái Văn Tài cho biết: Các sở GD và ĐT đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục. Nhiều địa phương thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban chỉ đạo thí điểm học bạ số, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện học bạ số bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GD và ĐT.
Đến nay, quá trình thí điểm học bạ số đã bảo đảm mục tiêu theo kế hoạch, làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số, từ đó triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã phối hợp các nhà cung cấp cổng học bạ số, có các địa chỉ kết nối dữ liệu, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan học bạ số tại địa phương. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương.
Năm học 2023-2024 khi triển khai thí điểm học bạ số, toàn quốc có 14.585 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, gồm 12.404 trường tiểu học, 2.206 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở, 202 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở-trung học phổ thông, 58 trường quốc tế, 169 trường trực thuộc Sở GD và ĐT. Quá trình thí điểm học bạ số đã cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp tiểu học.
Kết quả thí điểm học bạ số cho thấy khả năng đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu và nội dung thí điểm. Triển khai học bạ số bảo đảm nguyên tắc: Không phát sinh chi phí cho học sinh, cha mẹ học sinh. Đồng thời, không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục và học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý trung tâm, đầu tư hạ tầng thiết bị…
Mặc dù vậy, qua quá trình triển khai cho thấy còn có một số điểm bất cập, hạn chế như việc sử dụng hồ sơ điện tử chưa bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, giữa các trường trong cùng cấp học; chưa có các văn bản quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử, học bạ điện tử, việc chuyển đổi, thay thế giữa học bạ giấy và học bạ điện tử, cho nên các cơ sở giáo dục vẫn phải in một số hồ sơ, tiến hành ký và lưu theo quy định làm mất nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Đáng nói là học bạ điện tử vẫn phải in, ký đóng dấu và sử dụng bản in giấy trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan học bạ, do đó chưa phát huy được hiệu quả của học bạ điện tử.
Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc cho biết: Việc cập nhật thông tin học sinh lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục gặp khó khăn do tình hình gia tăng cơ học, học sinh học phổ cập thường xuyên thay đổi nơi cư trú, học quá độ tuổi, học gián đoạn; dữ liệu học sinh quốc tịch nước ngoài học tập tại Việt Nam chưa có cơ chế xác thực định danh tập trung do không được quản lý tại cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Mặt khác, chưa có cơ chế tài chính quy định cụ thể cho nguồn kinh phí mua chữ ký số công cộng cho giáo viên trong các năm học tiếp theo sau khi hết thời gian thí điểm miễn phí.
Đại diện Sở GD và ĐT Hậu Giang cho rằng: Trong quá trình thực hiện thí điểm, các trường tiểu học còn lúng túng trong thực hiện quy trình, thao tác. Các quy định về sử dụng học bạ số chưa được ban hành nên vẫn còn sử dụng song song với học bạ truyền thống. Mẫu học bạ số gộp chung đánh giá, nhận xét các bộ môn dễ gây nhầm lẫn.
Theo các chuyên gia giáo dục, với quy mô lớn, đa dạng về loại hình, trải rộng trên phạm vi toàn quốc, có vùng thuận lợi, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, việc triển khai học bạ số cần có bước đi, cách tiếp cận phù hợp với thực tiễn của địa phương để đạt được mục tiêu đề ra.
Đại diện Sở GD và ĐT Hòa Bình đề nghị Bộ GD và ĐT ban hành quy chế về lập, quản lý, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ các hồ sơ điện tử của ngành, xây dựng quy định chuẩn hóa liên thông dữ liệu các phần mềm trong các nhà trường, bảo mật thông tin học sinh và cơ sở dữ liệu khi được số hóa. Mặt khác, cần quy định khung giá và nguồn chi phát hành học bạ số để các địa phương có cơ sở pháp lý trình Hội đồng nhân dân tỉnh; Bộ GD và ĐT tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt, chuyên viên phụ trách các bậc học, phụ trách công nghệ thông tin của các sở GD và ĐT về khai thác, quản lý hồ sơ số, học bạ số.
Sở GD và ĐT tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ GD và ĐT sớm ban hành Quy chế, hướng dẫn thực hiện học bạ số để các sở GD và ĐT, các cơ sở giáo dục thống nhất thực hiện. Đồng thời, Bộ GD và ĐT phối hợp Bộ Công an cấp mã định danh cho tất cả học sinh để phục vụ triển khai học bạ số theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ trưởng GD và ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc triển khai, thực hiện học bạ số là một công việc khó, phức tạp, có tác động lớn, diễn ra trên phạm vi rộng, các địa phương có thuận lợi và khó khăn khác nhau. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị thời gian tới, các địa phương cần thống nhất trong chỉ đạo toàn ngành, phân cấp, phân quyền, rõ nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện. Các đơn vị thuộc Bộ GD và ĐT tổng hợp ý kiến góp ý từ các đơn vị, địa phương để tham mưu ban chỉ đạo, từ đó có hướng giải quyết phù hợp; đồng thời tập trung rà soát các văn bản pháp lý liên quan để thống nhất các khái niệm, thuật ngữ, nội hàm khi triển khai.
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, năm học 2024-2025, Bộ GD và ĐT tiếp tục thực hiện thí điểm ở cấp trung học và giáo dục thường xuyên tại 63 tỉnh, thành phố; bảo đảm tỷ lệ đủ lớn số cơ sở giáo dục tham gia thực hiện thí điểm; nhất là lấy kết quả, kinh nghiệm phù hợp trong triển khai thí điểm ở cấp tiểu học để áp dụng thí điểm ở cấp trung học, giáo dục thường xuyên trên tinh thần sử dụng, quản lý, triển khai an toàn, không phát sinh chi phí, bài bản, hiện đại.
Theo Quỳnh Nguyễn/ Nhân dân
https://nhandan.vn/cai-cach-hanh-chinh-nho-hoc-ba-so-post855890.html