Nhiều loại hoa cắm cành được nhập từ Trung Quốc như anh đào sakura, thanh liễu, tuyết mai... được tiểu thương dự đoán tiếp tục giữ ngôi 'vương' hoa Tết năm nay.
Tuyết mai đang là loại bán chạy nhất trong dịp Tết, hiện thường được trưng bày ở những vị trí nổi bật tại các cửa hàng để hút khách - Ảnh: NHẬT XUÂN
"Nếu những năm trước, người ta ưa chuộng nụ tầm xuân Trung Quốc thì những năm gần đây thanh liễu, tuyết mai chưa bao giờ hết hot", bà Lê Thị Tuyết Mai, tiểu thương chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM), nói.
Hoa từ Trung Quốc tràn vào là thực trạng cần chấp nhận... Nó đặt ra không ít thách thức cho nông dân và các doanh nghiệp nội.
Ông NGUYỄN VĂN MƯỜI (phó trưởng cơ quan phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam)
Năm nay, thay vì chọn ly, lay ơn hay hồng, chị Nguyễn Thị Ly (ngụ quận 3) quyết định mua tuyết mai - một loại hoa nhập từ Trung Quốc - để chưng Tết. Lý do: hoa ly, hồng hay cúc có quanh năm, nhưng tuyết mai chỉ xuất hiện dịp cận Tết, nên chị tranh thủ mua để thay đổi không khí.
"Một bình tuyết mai rất bền, chơi được cả tháng. Khi hoa nở trắng cành, nhìn đẹp mộc mạc lại mang cảm giác lộc lá, may mắn. Loại hoa này có thân gỗ nên không cần thay nước thường xuyên", chị Ly nói.
Ghé qua các chợ hoa nổi tiếng tại TP.HCM như chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10) hay chợ hoa Đầm Sen (quận 11), không khó để bắt gặp hình ảnh các bó hoa tuyết mai được trưng bày ở các vị trí bắt mắt, nổi bật...
Tại vựa hoa Diễm Chi (chợ Hồ Thị Kỷ), một trong những cửa hàng hoa nhập lớn nhất chợ, tuyết mai chiếm trọn một góc lớn, giá hiện từ 90.000 - 160.000 đồng/bó, với hai dòng chính là tuyết mai rừng và tuyết mai hàng công ty. Tuyết mai rừng thường có giá rẻ hơn, cành hoa mộc mạc với số lượng hoa và lộc ít hơn trong khi tuyết mai hàng công ty đầy đặn, tươi tắn, bắt mắt hơn.
Theo các tiểu thương tại chợ hoa, tuyết mai là dòng hoa bán chạy nhất thời điểm này. Bền, đẹp, giá rẻ là những tính từ được tiểu thương miêu tả các loại hoa cắm cành Trung Quốc.
Bà Ngọc, tiểu thương tại chợ Hồ Thị Kỷ, chia sẻ từ đầu tháng 12, lượng khách đặt mua tuyết mai đã tăng mạnh. Người mua muốn trang trí nhà sớm, tận hưởng không khí Tết. Những năm gần đây, loại hoa thân gỗ với vẻ đẹp mộc mạc như tuyết mai rất được ưa chuộng, ví như miền Bắc có cành lê, cành mận cũng rất "hot".
Ngoài tính thẩm mỹ và độ bền, tuyết mai còn được đánh giá cao về mặt kinh tế. Chỉ cần khoảng 150.000 đồng là đã có một bình hoa đẹp và cũng đậm sắc xuân. So với các loại cành đào hay lê, giá thành của tuyết mai tiết kiệm hơn nhiều, lại lạ và độc đáo.
Bà Lê Thị Tuyết Mai cho biết tuyết mai Trung Quốc mỗi năm lại rẻ và đẹp hơn. Năm nay, giá đầu mùa dao động từ 90.000 - 180.000 đồng bán lẻ, bán sỉ rẻ hơn nữa và giá này rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm loại hoa này mới xuất hiện có giá lên tới 400.000 đồng/bó.
Theo bà Mai, các loại hoa nhập từ Trung Quốc luôn chiếm vị trí quan trọng trên thị trường hoa Tết Việt Nam. "Nếu 10 năm trước, nụ tầm xuân là lựa chọn phổ biến thì từ khi tuyết mai xuất hiện, loại hoa này luôn đứng đầu danh sách loại hoa bán chạy nhất mùa Tết", bà nhận xét.
Với dòng hoa nhuộm, bà Thanh Loan, một tiểu thương khác tại chợ Hồ Thị Kỷ, cho biết hoa sao từ Trung Quốc cũng từng rất "hot", giá mềm, có nhiều màu sắc bắt mắt như xanh, đỏ, vàng nhưng bà cũng bày tỏ lo ngại có thể gây hại cho người tiêu dùng nếu tiếp xúc lâu dài.
Đủ loại hoa Trung Quốc về chợ
Ngoài tuyết mai, ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều loại hoa nhập từ Trung Quốc như thanh liễu, anh đào Sakura, tiểu tú cầu... dù ra mắt thị trường đã lâu song vẫn giữ được sức hút trong nhiều năm, được ưa chuộng ngày Tết.
Đặc biệt, anh đào Sakura Trung Quốc thậm chí được tiểu thương dự đoán sẽ vượt mặt "vương hoa" tuyết mai để trở thành dòng hoa bán chạy năm nay. Bà Ngọc cho hay anh đào Sakura năm nay đặc biệt đẹp. Hoa bông to, màu sắc tươi tắn, chất lượng hơn hẳn các năm trước. Bên cạnh đó, giá bán cũng hợp lý, chỉ khoảng 160.000 đồng/bó, đủ cắm cả bình lớn.
"Mặc dù mới bày bán, số lượng khách hỏi mua anh đào Sakura tăng đáng kể. Tôi dự kiến cận Tết có thể tiêu thụ đến 200 bó/ngày", bà Ngọc nói.
Không chỉ các loại hoa "độc lạ" mà hoa phổ thông như lan, cẩm chướng,... nhập khẩu từ Trung Quốc cũng cạnh tranh mạnh. Bà Ngọc nhận định: "Cẩm chướng Trung Quốc có màu sắc đa dạng, bông lớn và độ bền cao. Các màu như đỏ rượu và hồng phấn mang lại cảm giác sang trọng, phù hợp không khí Tết, hút khách dù giá cao hơn hoa Việt".
Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Thái Dương, CEO chuỗi cửa hàng của Hoa Yêu Thương, cho biết ở phân khúc giá rẻ, hoa địa lan Trung Quốc đang có mức giá cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với địa lan Việt Nam.
Tuy nhiên ông Dương cho rằng điều này không quá lo lắng, vì hai loại này có xu hướng bổ trợ thay vì cạnh tranh trực tiếp. "Hoa Trung Quốc có kiểu dáng, chủng loại và màu sắc riêng. Vì vậy, hai bên ít trùng lặp mà chủ yếu đáp ứng các nhu cầu khác biệt", ông Dương nhận định.
Ngoài các dòng hoa phổ thông, một số loại hoa nhập khẩu Trung Quốc thuộc phân khúc cao cấp như đào thất thốn tiến vua hay đào đông... cũng gây sốt trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu trang trí sang trọng, quà biếu tặng.
Hoa nội có thế mạnh, cần nỗ lực cạnh tranh Ông Nguyễn Văn Mười, phó trưởng cơ quan phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng việc đổi mới công nghệ và cải tiến giống cây trồng là yếu tố quan trọng để ngành hoa Việt Nam không bị tụt hậu trên thị trường. Theo ông Mười, thị trường luôn có các cuộc "chạy đua" mỗi năm để tung ra các dòng hoa, giống cây mới độc đáo, tạo trào lưu mới. Việc mở cửa thị trường và đa dạng hóa nguồn cung là điều tất yếu. Nên hoa từ Trung Quốc tràn vào là thực trạng cần chấp nhận, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó sẽ đặt ra không ít thách thức cho nông dân và các doanh nghiệp nội. Tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), một sạp dành gần nửa diện tích để trưng bày hoa Trung Quốc - Ảnh: NHẬT XUÂN Ông Mười cho rằng ngành trồng hoa trong nước vẫn có những lợi thế riêng, đặc biệt là về thói quen tiêu dùng, đã có nhiều thương hiệu như cúc Sa Đéc hay hoa ly Đà Lạt... Bên cạnh khắc phục điểm yếu, ông Mười cho rằng cũng cần phát huy điểm mạnh, nỗ lực nâng cao thương hiệu hoa Việt, tiếp tục cải tiến giống, màu sắc và phương thức sản xuất. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa người sản xuất và chính quyền địa phương để xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu hoa địa phương. Ông Mười đưa ra ví dụ về lễ hội hoa Sa Đéc và Đà Lạt, những sự kiện góp phần duy trì và phát triển thương hiệu hoa. Tuy nhiên để thương hiệu hoa địa phương phát triển bền vững, cần có chiến lược quy hoạch cụ thể, thay vì chỉ dựa vào các nỗ lực tự phát. |
Theo Nhật Xuân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hoa-trung-quoc-lan-luot-thi-truong-tet-2025011301211004.htm