Song song với việc gửi đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương cũng gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Rút ngắn thời gian, tỷ lệ điều chỉnh để tránh lỗ
Theo đó, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, thay vì 3 tháng như hiện nay.
Cụ thể, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Lý giải thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu, Bộ Công thương cho biết, thống kê tình hình biến động của chỉ số giá than trên thế giới trong giai đoạn 2022-2024 cho thấy, giá than thế giới có thể biến động rất mạnh chỉ trong thời gian 1 tháng (có thể lên tới trên 40%). Do đó việc quy định mức thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng như hiện nay có thể dẫn tới không phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào.
Ngoài yếu tố giá than thế giới, các yếu tố khác như giá khí hóa lỏng (LNG) trong thời gian tới, tỷ giá, cơ cấu sản lượng dự kiến cũng là các yếu tố có thể có biến động rất mạnh trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.
Lý giải về tỷ lệ điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu, Bộ này cho hay, kết quả kiểm tra, công bố giá thành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2017 khoảng 291.278,46 tỉ đồng, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 528.604,24 tỉ đồng. Vì vậy, nếu tăng mức 3% tại thời điểm 2017 thì mức tăng tương ứng chỉ 8.000 tỉ đồng, với thời điểm hiện nay nếu tăng 3% thì tương ứng chi phí tăng hơn 15.000 tỉ đồng và trong các năm tới tăng cao hơn nữa. "Điều này dẫn đến việc EVN có thể không cân đối được tài chính, thiếu hụt dòng tiền thanh toán trong trường hợp giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh ở mức phù hợp và kịp thời", dự thảo tờ trình nêu.
Tăng tỷ suất lợi nhuận
Tuy vậy, có một số điểm đáng chú ý của dự thảo này là đặt tỷ suất lợi nhuận dự kiến hàng năm cho EVN ở mức cao.
Dự thảo tờ trình nêu: "Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm N bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 04 ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank hoặc đơn vị kế thừa hợp pháp của các đơn vị này) được xác định tại ngày 30 tháng 9 năm N-1 cộng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm N được Quốc hội thông qua (%)".
Theo Nguyên Nga/Thanh niên
https://thanhnien.vn/bo-cong-thuong-van-muon-dieu-chinh-gia-dien-2-thang-mot-lan-18525011309323537.htm