Mặc dù còn khoảng một tháng nữa mới bước vào đợt cao điểm vận tải Tết Nguyên đán, song các đơn vị vận tải: Hàng không, đường bộ, đường sắt,… đã sẵn sàng kế hoạch chuẩn bị, lên phương án chi tiết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách tốt nhất.
Dự báo lượng hành khách qua các bến xe Hà Nội trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán tăng 250-350% so với ngày thường.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài 9 ngày (từ 25/1 đến 2/2/2025), dự báo nhu cầu đi lại, về quê thăm thân, du lịch,… của người dân tăng mạnh, ở cả phương thức vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không.
Nhiều tuyến có khả năng quá tải
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô-tô đã chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết. Theo tính toán, đợt cao điểm vận tải Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ diễn ra từ ngày 20/1 đến 4/2/2025, vì đây là lúc người lao động tự do và sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu nghỉ Tết Ông Công-Ông Táo (23 tháng chạp Âm lịch) và Tết Nguyên đán.
Từ ngày 25/1/2025, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu nghỉ Tết. Nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán sẽ dàn đều trong đợt, dự kiến, lượng hành khách qua các bến xe tăng khoảng 250-350% so với ngày thường.
"Ðối với một số tuyến vận tải, có khả năng xảy ra ùn ứ, quá tải cục bộ từng thời điểm, công ty đã chuẩn bị tăng cường gần 2.500 xe để dự phòng giải tỏa hành khách phục vụ dịp Tết Nguyên đán", ông Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Bến xe Mỹ Ðình trong các ngày cao điểm Tết, ước tính có khoảng 22.000 lượt hành khách/ ngày với hơn 950 lượt xe xuất bến, tăng hơn 350% so với ngày thường; Bến xe Giáp Bát khoảng 20 nghìn lượt khách (850-900 lượt xe xuất bến), tăng 350%; Bến xe Gia Lâm khoảng 5.000 lượt khách (400 lượt xe), tăng khoảng 250%.
Công ty cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp 300 phù xe hiệu xe tăng cường giải tỏa khách; đề xuất lực lượng chức năng phân luồng giao thông các khu vực chung quanh bến xe và khu vực Bến xe Giáp Bát đang trong quá trình triển khai dự án nút giao Vành đai 2,5 Kim Ðồng-Giải Phóng,...
Ðồng thời, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các xe vào bến đón khách; không cho xuất bến đối với xe không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chất lượng, chở quá số khách quy định, uống bia rượu hoặc sử dụng các chất kích thích; không để xảy ra hiện tượng khách lên xe không có vé, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, lấy tiền cao hơn giá vé quy định, bảo đảm mọi khách hành trên xe đều có vé trước khi xe xuất bến,…
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các bến xe: Miền Ðông mới (thành phố Thủ Ðức) và Miền Ðông (quận Bình Thạnh) đã xây dựng kế hoạch phục vụ đi lại dịp Tết. Cả hai bến xe đều khuyến khích các đơn vị vận tải không tăng giá vé. Trường hợp buộc phải tăng giá để bù chi phí "lệch đầu" (không có khách chiều về), doanh nghiệp không được phụ thu quá 40% (chặng ngắn) và 60% (chặng xa).
Theo đại diện lãnh đạo Bến xe Miền Ðông mới, dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán sắp tới, bến xe dự kiến thời gian phục vụ trong khoảng 20 ngày (10 ngày trước Tết, 10 ngày sau Tết), các tuyến ra bắc có thời gian phục vụ sớm hơn. Theo dự báo, lượng khách đi qua Bến xe Miền Ðông mới đạt hơn 90.000 lượt khách, ngày cao điểm nhất khoảng 10-12.000 lượt. Còn Bến xe Miền Ðông, dự kiến đạt khoảng 139.000 lượt khách, ngày cao điểm có khoảng 18-19.000 khách.
Hàng không tăng chuyến
Ðể phục vụ khách du lịch, người dân về quê dịp Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam) đã chạy thêm nhiều đoàn tàu trên tuyến bắc-nam.
Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, chạy thêm tàu SE12 xuất phát ga Sài Gòn ngày 14/1; tàu TN5 xuất phát ga Sài Gòn ngày 16/1. Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Nghệ An (ga Vinh), chạy thêm các tàu SE14, SE16, xuất phát các ngày 18 và 19/1. Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Quảng Ngãi, chạy thêm tàu SE26 xuất phát ngày 18/1/2025.
Ước tính đến giữa tháng 12, ngành đường sắt đã bán khoảng 150.000 vé tàu Tết và vẫn áp dụng chính sách giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động trước Cách mạng tháng Tám được giảm 90%; thương binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học; người khuyết tật nặng được giảm 30%; sinh viên được giảm 20%; trẻ em 6-10 tuổi giảm 25% giá vé.
Ðối với hàng không, đến thời điểm này, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương từ khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ (ngày 21/1 đến 28/1) đang tăng nhanh chóng. Một số đường bay đã đạt 100% số chỗ (từ 23 đến 27 Tết) như: Thành phố Hồ Chí Minh đi Huế/Pleiku/Tuy Hòa/Quy Nhơn/Chu Lai,…
Ở chiều ngược lại trong giai đoạn này, tỷ lệ đặt chỗ rất thấp, chỉ từ 5% đến 30%. Trước nhu cầu đi lại tăng mạnh trên các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền bắc, miền trung, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng tham số điều phối giờ hạ cất cánh (slot) từ ngày 21/1 đến ngày 9/2/2025, tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khung giờ ban ngày nâng lên 48 chuyến/giờ và ban đêm 46 chuyến/giờ.
Khảo sát giá vé cho thấy, ngày 22/1/2025 (23 Tết), các hãng hàng không niêm yết giá vé hạng phổ thông chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội ở mức khá cao, từ 3,34 đến 3,74 triệu đồng.
Chiều ngược lại, ghi nhận giá vé thấp hơn rõ rệt, chỉ từ 0,75 đến 1,22 triệu đồng tùy hãng. Trên chặng bay Hà Nội-Ðà Nẵng, giá vé chiều đi ghi nhận ở mức 1,25 đến 2,5 triệu đồng, chiều ngược lại không có sự chênh lệch lớn.
Ðại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá: "Xu hướng "lệch đầu" của giá vé có ngay từ ngày đầu nghỉ lễ (26 Tết) và vẫn duy trì trong ngày 28 Tết, phần lớn do nhu cầu di chuyển về quê đón Tết ở các địa phương phía bắc tăng cao, khiến giá vé chiều từ nam ra bắc cao hơn chiều ngược lại.
Tổng hợp từ các hãng hàng không Việt Nam, thời điểm hiện tại, tổng số ghế cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa từ ngày 14/1 đến 12/2/2025 đạt hơn 7 triệu ghế, tăng hơn 5% so với Tết năm trước. Trong đó, cung ứng nội địa hơn 4,9 triệu ghế, bình quân 165.000 ghế/ngày, tăng tương ứng khoảng 4,8%.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, trong tháng 12 này, Vietnam Airlines nhận thêm ba máy bay mới và lên phương án thuê thêm bốn máy bay Airbus A320/A321. Vietjet cũng vừa nhận thêm máy bay thế hệ mới A321neo ACF (chiếc thứ 111 của hãng), dự kiến nhận ba chiếc trong tháng 12, đồng thời thuê ướt ngắn hạn 6-10 máy bay dịp Tết.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để chỉ đạo các hãng hàng không, cảng hàng không bổ sung chuyến bay trên các đường bay có lưu lượng vận chuyển lớn, góp phần điều tiết giá vé và đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về các biện pháp đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, xe theo quy định...; phối hợp triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông tại các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đầu mối giao thông lớn và khu vực tổ chức lễ hội xuân.
Các đơn vị vận tải được yêu cầu tuân thủ nghiêm quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, đường ngang đường sắt; kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở quá số người, tăng giá vé trái quy định...
Theo Minh Trang/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/dap-ung-nhu-cau-di-lai-cao-diem-dip-tet-post853126.html