Không chỉ gây biến chứng nặng và có thể khiến bệnh nhi tử vong, năm nay, bệnh sởi tấn công người lớn gây bội nhiễm nguy hiểm.
Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) mới đây tiếp nhận bệnh nhân (BN) nam 56 tuổi (ở H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ, chuyển biến suy hô hấp cấp.
Bệnh nhân bị bội nhiễm, viêm phổi do nhiễm vi rút sởi, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện đã hồi phục ẢNH: THANH ĐẶNG
10 ngày trước nhập viện, BN đau đầu, mệt mỏi và sung huyết vùng kết mạc mắt. Sau 6 ngày tự uống thuốc hạ sốt điều trị tại nhà, BN vẫn đau đầu, sốt cao, mệt nhiều, khó thở, xuất hiện ban đỏ ở vùng đầu, mặt lan xuống vùng cổ, ngực. BN đến khám ở cơ sở y tế tại địa phương và được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Tại đây, BN vẫn sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng và tiếp tục chuyển biến nặng hơn với tình trạng suy hô hấp cấp. Các triệu chứng và xét nghiệm khẳng định BN dương tính với bệnh sởi. BN được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết cùng với biến chứng viêm phổi do vi rút sởi gây ra kèm theo tiêu chảy, biểu hiện nhiễm trùng của BN trên cũng có xu hướng tăng. Sau đợt điều trị tích cực, BN đã bình phục, được ra viện.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do vi rút sởi gây nên, lây qua đường hô hấp. Sởi có các biểu hiện sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, tiêu hóa. Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm viêm phổi, viêm não và đôi khi gây tử vong.
Bác sĩ cũng lưu ý: Người lớn mắc bệnh sởi thường gặp ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ là những người chưa bao giờ tiêm vắc xin phòng sởi; người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền và bệnh suy giảm miễn dịch; người điều trị hóa chất, ung thư…
Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư hiện đang điều trị 4 bệnh nhi bị sởi nặng, có biến chứng phổi; trong đó 2 bệnh nhi đang phải thở máy, 2 bệnh nhi thở ô xy.
Theo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện có nhiều loại vắc xin sởi được sản xuất dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin đôi phối hợp (sởi - rubella, hoặc sởi - quai bị - rubella). Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi rút sởi...
Vì vậy, để phòng bệnh sởi, người dân nên đi tiêm vắc xin. Trẻ nhỏ cần tiêm vắc xin sởi và các mũi nhắc lại theo tư vấn của nhân viên y tế để duy trì miễn dịch.
Theo Liên Châu/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/benh-soi-tan-cong-nguoi-lon-185241119184428098.htm