190
/
172229
Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không?
tai-su-dung-ket-qua-xet-nghiem-tai-sao-khong
news

Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không?

Thứ 3, 12/11/2024 | 09:59:00
2,110 lượt xem

Văn phòng Chính phủ đề nghị các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Đặc biệt tái sử dụng kết quả xét nghiệm trên sổ sức khỏe điện tử để các bệnh viện sử dụng, giải quyết dứt điểm tình trạng cát cứ dữ liệu.

Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? - Ảnh 1.

Kết quả xét nghiệm sẽ từng bước được đồng bộ trong sổ sức khỏe điện tử trên VNelD - Ảnh: NAM TRẦN

Đồng bộ, tái sử dụng kết quả xét nghiệm trên VNeID sẽ tiện cả đôi đường thế nào?

Tính đến nay đã có hơn 32,1 triệu sổ sức khỏe cho người dân được tích hợp qua VNeID. Việc đồng bộ giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám và tái sử dụng kết quả xét nghiệm trên sổ sức khỏe điện tử được người dân mong đợi sẽ giảm thủ tục, tiếp cận nhanh chóng dịch vụ khám chữa bệnh.

Đã có quy định công nhận kết quả xét nghiệm

Thực tế, nhiều người bệnh đến viện điều trị đều phải làm xét nghiệm, chuyển viện phải làm lại các xét nghiệm từ đầu. Hay nhiều bệnh nhân vừa làm xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên tuyến trung ương vẫn bị chỉ định đi làm lại xét nghiệm đó.

Một số người cho rằng điều này không chỉ gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc mà còn gây ra phiền hà, làm mất rất nhiều thời gian cho một lần đi khám chữa bệnh.

Để khắc phục tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, năm 2017 Bộ Y tế đã ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả. Trong đó, danh mục kỹ thuật xét nghiệm với xét nghiệm máu 22 chỉ số có thời gian tối đa sử dụng là 5 ngày và tùy thuộc vào bệnh lý, diễn biến lâm sàng của người bệnh.

Đối với các xét nghiệm hóa sinh (17 chỉ số) có thời gian tối đa từ 1 ngày đến 60 ngày (định lượng HbA1c tối đa 60 ngày), việc công nhận kết quả cũng tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng người bệnh.

Còn xét nghiệm vi sinh với 26 chỉ số có nhiều chỉ số có giá trị trong 2 ngày mà không cần tùy thuộc vào bệnh lý, diễn biến lâm sàng của người bệnh.

Tuy nhiên, thực tế việc chỉ định xét nghiệm vẫn phụ thuộc lớn vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng, bác sĩ phụ trách chuyên môn vẫn là người quyết định có phải thực hiện lại các xét nghiệm hay không.

Theo BS Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thực tế hiện nay chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế và giữa các tuyến chưa đồng đều nên hiện một số bệnh viện vẫn thực hiện lại các xét nghiệm.

"Đồng thời tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng bắt buộc phải làm lại các xét nghiệm để đảm bảo chính xác tình trạng của người bệnh, bác sĩ đủ căn cứ để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Ví dụ khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, mỗi ngày phải thực hiện xét nghiệm máu 2 lần để theo dõi các chỉ số. Bởi vậy tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng bác sĩ có thể chỉ định thực hiện lại các xét nghiệm này.

Ngoài ra những kết quả xét nghiệm trước đó vẫn là thông tin tham khảo, trong trường hợp có thể sử dụng lại người bệnh không cần lấy mẫu xét nghiệm. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh và bảo hiểm y tế", BS Hùng cho hay.

Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? - Ảnh 2.

Lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: NAM TRẦN

Đồng bộ dữ liệu, tiện cả đôi đường

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Đồng thời xây dựng lộ trình triển khai bệnh án điện tử. Xây dựng giải pháp, công cụ để giám sát các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, kết quả xét nghiệm. Dữ liệu này giúp cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ khai thác thông tin sổ sức khỏe trên VNeID.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng - nhận định nếu thực hiện đồng bộ kết quả xét nghiệm qua sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, sẽ mang lại nhiều lợi ích.

"Đây sẽ là dữ liệu hữu ích cho các bác sĩ, bệnh viện theo dõi được các kết quả xét nghiệm bệnh nhân từ trước đó để đưa ra chỉ định, phác đồ điều trị phù hợp. Nếu kết quả xét nghiệm được thực hiện ở cơ sở uy tín, có chứng nhận về chuyên môn hoàn toàn có thể tái sử dụng kết quả này. Việc này vừa giúp bệnh nhân không cần làm lại thủ tục, tiết kiệm ngân sách cho xã hội", BS Hoàng nhận định.

BS Hoàng nói thêm, trong trường hợp kết quả không thể sử dụng thì đây cũng là một kênh thông tin tham khảo hữu ích để bác sĩ có thể biết được tình trạng người bệnh trước đó, các chỉ số thay đổi ra sao để có nhận định chính xác hơn.

Mặc dù lợi ích là vậy, BS Hoàng còn băn khoăn về việc đồng bộ dữ liệu sẽ triển khai ra sao. Theo đó phải đảm bảo yếu tố bảo mật tuyệt đối. Ngoài ra kết quả xét nghiệm phải đảm bảo chính xác, phải có quy chuẩn cho các phòng xét nghiệm được công nhận kết quả.

Hoàn toàn có thể thực hiện đồng bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Hùng - trưởng phòng dịch vụ chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) - cho hay hiện đơn vị đang lập kế hoạch để triển khai thí điểm trục liên thông dữ liệu, trong đó sẽ đồng bộ kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh trên VNeID.

"Thực tế hiện nay các kết quả xét nghiệm đã được các bệnh viện cập nhật lưu trữ điện tử, tuy nhiên hiện nay chưa có nền tảng để dùng chung. Vì vậy việc liên thông dữ liệu trên VNeID sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả người bệnh và bệnh viện. Những kết quả xét nghiệm, chụp chiếu này sẽ giúp bác sĩ có ngay thông tin ban đầu để chẩn đoán bệnh lý cho người bệnh, hạn chế được tình trạng phải xét nghiệm, chụp chiếu lại.

Đồng thời hệ thống không chỉ lưu lại kết quả gần nhất mà sẽ lưu tất cả kết quả xét nghiệm từng có của bệnh nhân. Điều này cũng sẽ giúp bác sĩ có thêm các thông tin tiền sử người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho hay việc đồng bộ dữ liệu hoàn toàn có thể thực hiện được và đảm bảo tính bảo mật cho người dân. Sau khi thí điểm, trung tâm sẽ tiếp tục đánh giá và báo cáo để tiếp tục triển khai.

Theo Dương Liễu/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/tai-su-dung-ket-qua-xet-nghiem-tai-sao-khong-20241111231805149.htm 

  • Từ khóa

6 thói quen tưởng vô hại nhưng khiến não lão hóa sớm

Giống như cơ thể, não bộ cũng lão hóa theo tuổi tác. Càng lớn tuổi, việc ghi nhớ thông tin càng trở nên khó khăn hơn. Việc học hỏi điều mới cũng có thể...
16:26 - 02/01/2025
218 lượt xem

Dự án bệnh viện ảo AI đầu tiên sắp xuất hiện tại Việt Nam

Bệnh viện chủ yếu cung cấp dịch vụ chăm sóc ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ được một công ty Úc xây dựng.
16:14 - 02/01/2025
224 lượt xem

Phát hiện tác dụng bất ngờ khi đi bộ 4 km mỗi ngày

Đi bộ là bài tập đơn giản nhất mà hầu hết mọi người đều có thể thực hiện hằng ngày. Bài tập này được biết với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
14:45 - 02/01/2025
265 lượt xem

Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới

Từ 1/1/2025, các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chính thức bị cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng ở nước ta.
13:10 - 02/01/2025
287 lượt xem

Hay nhai một bên khi ăn: Tưởng vô hại nhưng… nhiều tác hại!

Nhai một bên khi ăn là thói quen thường thấy ở nhiều người. Điều này tưởng chừng vô hại nhưng có thể là nguyên nhân của nhiều vấn đề răng-hàm-mặt, thậm...
10:59 - 02/01/2025
373 lượt xem