213
/
166256
Giới công nghệ Mỹ mua điện hạt nhân phục vụ AI
gioi-cong-nghe-my-mua-dien-hat-nhan-phuc-vu-ai
news

Giới công nghệ Mỹ mua điện hạt nhân phục vụ AI

Thứ 3, 02/07/2024 | 14:38:00
1,231 lượt xem

Một loạt công ty công nghệ lớn ở Mỹ tìm cách mua điện trực tiếp từ các nhà máy hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Cơ sở hạt nhân Beaver Valley tại bang Pennsylvania - Ảnh: Bloomberg News

Những thỏa thuận trên mang lại lợi ích to lớn cho các bên tham gia, song lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp khác cũng như người dân toàn nước Mỹ.

Giải pháp xanh, ổn định

Theo báo Wall Street Journal, việc phát triển AI yêu cầu lượng khổng lồ trung tâm dữ liệu (data center) hoạt động 24/7 và không bị ngắt quãng. Để làm được điều này, các hãng công nghệ cần có nguồn cung điện ổn định vô cùng lớn. 

Trong bối cảnh thế giới nói chung và Mỹ nói riêng cùng nhau hướng đến các mục tiêu khí hậu, nguồn cung này cũng hạn chế tối đa lượng phát thải carbon.

Điện lưới thông thường không thể đáp ứng nhu cầu đặc thù này. Giữa tình hình đó, điện hạt nhân nổi lên là giải pháp gần như hoàn hảo cho những công ty công nghệ.

Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin khẳng định Amazon Web Services (AWS), công ty phụ trách mảng điện toán đám mây của gã khổng lồ Amazon, sắp đạt thỏa thuận lấy điện trực tiếp từ một nhà máy điện hạt nhân ở phía đông nước Mỹ với Constellation Energy - nhà cung cấp điện hạt nhân lớn nhất xứ sở cờ hoa. 

Trước đó hồi tháng 3, một nhánh khác của Amazon cũng đã đạt thỏa thuận mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng điện hạt nhân tại bang Pennsylvania trị giá 650 triệu USD.

Trong giới công nghệ, AWS chính là một trong những bên cho thuê cơ sở hạ tầng phục vụ việc phát triển, huấn luyện AI lớn nhất thế giới. Do đó, động thái trên của AWS hoàn toàn có thể đang và sẽ được cộng đồng phát triển AI cân nhắc.

Các thỏa thuận như trên được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh đáng kể tiến độ phát triển AI trên thế giới, khi thời gian xây dựng các trung tâm dữ liệu sẽ được rút ngắn nhiều năm do không phải đợi xây dựng hạ tầng năng lượng mới.

Ở chiều ngược lại, chúng cũng được xem là "báu vật trời cho" cho nền công nghiệp năng lượng hạt nhân Mỹ. Trong khoảng hai thập niên qua, lĩnh vực này phát triển trì trệ sau giai đoạn xây dựng "lố tay" hồi những năm 1990. Nhiều nhà máy điện hạt nhân không thể cạnh tranh với điện gió, điện mặt trời và điện khí tự nhiên, dẫn đến việc buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ tỏ ra rất "sộp" khi sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để độc quyền nguồn cung điện không phát thải carbon. Đây cũng chính là minh chứng của các công ty này về việc tuân thủ cam kết phát triển AI thân thiện môi trường.

Với việc sở hữu 14 nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ và sản xuất hơn 20% công suất điện hạt nhân ở nước này, Constellation Energy đặc biệt hưởng lợi từ xu hướng này khi chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình tăng hơn 70% chỉ trong năm 2024.

Lo ngại mất an ninh năng lượng

Dù mang lại lợi ích lớn cho các bên tham gia, những thỏa thuận trên lại tiềm tàng nguy cơ đối với an ninh năng lượng Mỹ. 

Chuyện các trung tâm dữ liệu lấy điện trực tiếp từ nhà máy điện hạt nhân đồng nghĩa với việc một lượng năng lượng lớn sẽ không được hòa lưới điện chung. Do đó, nước Mỹ hoàn toàn có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện. Khách hàng cả nước cũng có thể đối diện đơn giá điện cao hơn khi nguồn cung không còn dồi dào.

Dù giương cao ngọn cờ phát triển AI không ảnh hưởng môi trường, việc các doanh nghiệp "chiếm hữu" hoàn toàn điện hạt nhân từ nhà máy có thể tác động xấu đến những mục tiêu phát triển bền vững. 

Cho dù các công ty công nghệ có lên kế hoạch bù đắp lượng điện hạt nhân mình dùng bằng cách tài trợ cho các dự án điện tái tạo khác, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại nền công nghiệp năng lượng phải phụ thuộc vào điện khí tự nhiên mới có thể bù vào nguồn điện đã mất. 

Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... đều không đáp ứng tiêu chí phát điện ngày đêm, không bị ngắt quãng.

Người bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bang Pennsyvalnia (chức danh chính thức được thượng viện bang này bầu) Patrick Cicero nêu lo ngại: "Chưa từng có tiền lệ việc bất kỳ ai đến một nhà máy điện hạt nhân và nói "chúng tôi sẽ lấy toàn bộ số điện các bạn có thể sản xuất"".

4,6 - 9%

Theo Wall Street Journal, hiện chưa rõ các trung tâm dữ liệu sẽ cần bao nhiêu năng lượng. Các ước tính rơi vào tầm 4% tổng lượng điện tiêu thụ năm 2023 đến khoảng 4,6 - 9% lượng điện tiêu thụ năm 2023, theo Viện Nghiên cứu năng lượng điện.

Theo Ngọc Đức/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/gioi-cong-nghe-my-mua-dien-hat-nhan-phuc-vu-ai-20240702002209142.htm

  • Từ khóa

Công nghệ khử sương mù ở camera thông minh

Bốn sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa nghiên cứu phát triển thành công giải pháp khử sương mù ở các camera thông minh.
15:33 - 04/07/2024
6 lượt xem

Những smartphone Android mạnh nhất hiện nay

Vào ngày đầu tiên của mỗi tháng, công cụ điểm chuẩn AnTuTu lại công bố những smartphone có hiệu suất cao nhất trong tháng trước đó, với danh sách mới nhất...
15:14 - 04/07/2024
20 lượt xem

Chính phủ Nhật Bản loại bỏ việc sử dụng đĩa mềm

Một trong những thiết bị từ thời xa xưa của máy tính là đĩa mềm vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi, thậm chí là một số cơ quan chính phủ trên thế giới vẫn sử...
10:37 - 04/07/2024
128 lượt xem

Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua bằng sáng chế AI tạo sinh

Dữ liệu của Liên hợp quốc công bố ngày 3/7 cho thấy, Trung Quốc đang vượt xa các quốc gia khác trong cuộc đua phát minh liên quan trí tuệ nhân tạo (AI)...
09:08 - 04/07/2024
161 lượt xem

Châu Á chạy đua đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành bán dẫn nhưng các quốc gia khác đang nỗ lực cải thiện chất lượng.
08:24 - 04/07/2024
185 lượt xem