19
/
166250
Gìn giữ tiếng đàn, câu hát truyền thống
gin-giu-tieng-dan-cau-hat-truyen-thong
news

Gìn giữ tiếng đàn, câu hát truyền thống

Thứ 3, 02/07/2024 | 11:35:00
1,276 lượt xem

Với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức các hoạt động. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Thu hút hội viên

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các DTTS mang âm hưởng, màu sắc vô cùng độc đáo, có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 50 CLB hát dân ca DTTS có quyết định thành lập, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Tìm hiểu tại huyện Lục Ngạn được biết, toàn huyện có 32 CLB hát dân ca (mỗi CLB có từ 25-40 thành viên).

Một tiết mục biểu diễn của NNƯT Lục Văn Tích, Chủ nhiệm CLB hát Then - đàn Tính xã Sơn Hải (Lục Ngạn).

Ông Lãnh Văn Tập, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Ngạn cho biết, mỗi năm, Trung tâm trích kinh phí từ nguồn sự nghiệp văn hóa hỗ trợ từ 3-5 CLB tiêu biểu hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả (mức hỗ trợ 5 triệu đồng/CLB). Đặc biệt, hầu hết các CLB hát dân ca DTTS trên địa bàn huyện đều có học sinh tham gia.

CLB hát Then - đàn Tính xã Sơn Hải (Lục Ngạn) do Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lục Văn Tích (SN 1977), dân tộc Nùng ở thôn Cầu Sắt, xã Sơn Hải làm chủ nhiệm duy trì hoạt động đều đặn 10 năm qua. Đam mê hát Then từ nhỏ, anh Tích đã sưu tầm sách hát, học hỏi những kỹ năng, lề lối hát Then cổ từ các nghệ nhân. Nhiều năm qua, anh miệt mài truyền dạy cho các thành viên CLB, đồng thời tự sáng tác hàng trăm điệu hát Then. Hằng tháng, CLB duy trì sinh hoạt động 1-2 buổi.

“Khi mới tham gia, hầu hết mọi người chưa hiểu giai điệu, tiết tấu, nốt nhạc. Nhờ chịu khó học hỏi, tập luyện, đến nay các thành viên đều có thể hát nhiều điệu Then cổ, chơi đàn Tính thành thạo. CLB thường xuyên giao lưu biểu diễn khắp nơi trong tỉnh”, anh Tích nói.

Cùng với duy trì hoạt động, CLB ở một số huyện còn khôi phục những làn điệu dân ca, điệu múa đặc sắc vốn đã bị mai một từ lâu. Điển hình như CLB múa tắc xình xã Lệ Viễn (Sơn Động) có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, giữ gìn di sản. Múa tắc xình của dân tộc Sán Chí được bà con gìn giữ hàng trăm năm song do biến động của cuộc sống, di sản này bị mai một. Bằng sự tâm huyết, mong muốn khôi phục vốn quý của cha ông để lại, bà Đàm Thị Hoa (SN 1960) cùng một số người yêu văn nghệ trong xã đề xuất với chính quyền địa phương thành lập CLB múa tắc xình xã Lệ Viễn. Ban đầu, CLB chỉ có 5-6 người, đến nay có hơn 20 thành viên tham gia. Bà con tự sắm trang phục, dụng cụ âm nhạc, tập luyện.

“Cái hay, độc đáo của múa tắc xình đó là sử dụng nhạc cụ trống, tre, nứa. Khi biểu diễn, người múa phải bước chân ngắn, nhún nhảy theo nhịp; các động tác vung tay, nghiêng người, vỗ tay, tay chống hông, nhảy đổi chân… phải kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn trên nền nhạc. Để múa được đẹp rất khó, nếu ai không kiên trì sẽ không theo được”, bà Hoa chia sẻ. 5 năm gần đây, CLB thường xuyên biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn, như: Khai hội xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang; các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh.

Tạo điều kiện để các CLB hoạt động

Từ hoạt động của các CLB góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nhiều di sản độc đáo trở thành sản phẩm du lịch bước đầu thu hút khách du lịch, tạo việc làm cho người dân.

CLB Sình ca của xã Xuân Lương (Yên Thế) phục vụ du khách tham quan bản Ven.

Tại một số điểm du lịch cộng đồng như Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế), bản Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động), các CLB Sình ca (dân tộc Cao Lan) và hát Then - đàn Tính (dân tộc Tày, Nùng) thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách. Mỗi CLB có từ 10-12 thành viên là người dân bản địa. Du khách có nhu cầu thưởng thức các làn điệu chỉ cần báo trước, các thành viên sẵn sàng phục vụ. Vào mùa du lịch, nếu đông khách, mỗi thành viên trong CLB thu nhập từ 300 - 400 nghìn đồng/ngày.

Xác định nghệ nhân đóng vai trò nòng cốt đối với hoạt động của các CLB, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chỉ đạo nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” (NNND), NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 14 nghệ nhân người DTTS được phong tặng, trong đó có 1 NNND, 13 NNƯT. Đây là những nghệ nhân tiêu biểu đang nắm giữ, truyền dạy, có những cống hiến to lớn trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đồng bào DTTS.

Hầu hết các nghệ nhân đã từng và đang làm chủ nhiệm các CLB văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Đặc biệt, tháng 12/2023, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định mức hỗ trợ đối với NNND là 1,8 triệu đồng/người/tháng, NNƯT là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song hiện nay hoạt động của các CLB vẫn còn những hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, xã chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS nên chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động của các CLB. Do bận làm ăn, học tập nên việc tìm kiếm, tạo nguồn, bổ sung lực lượng trẻ tham gia sinh hoạt ở các CLB còn khó khăn.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các CLB, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030”. Rà soát các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để bổ sung, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tăng cường tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB. Tích cực tham gia hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể nhằm giới thiệu, quảng bá di sản. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhất là đối với cán bộ vùng DTTS.

Theo Báo Bắc Giang

https://baobacgiang.vn/gin-giu-tieng-dan-cau-hat-truyen-thong-072535.bbg 

  • Từ khóa

Ấn tượng trang phục dân tộc của người đẹp Việt tại "Miss Supranational 2024"

Người đẹp Việt Lydie Vũ sẽ diện bộ trang phục "Cát Cát" do NTK Tăng Thành Công thực hiện cho phần thi National Costume tại "Miss Supranational...
14:18 - 04/07/2024
51 lượt xem

Gần ngàn người luyện tập ngày đêm cho chương trình khai mạc Lễ hội Vì hòa bình

Sự kiện khai mạc Lễ hội Vì hòa bình vào đêm 6.7 tới đây tại Quảng Trị sẽ có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ và các chiến sĩ, người dân cùng thanh thiếu...
14:15 - 04/07/2024
60 lượt xem

Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam

Trong lịch sử giao lưu văn hóa Pháp - Việt lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa.
09:59 - 04/07/2024
161 lượt xem

Tour diễn âm nhạc "Từ đây… Từ nay…": Làn gió mới nửa cuối năm 2024

Nhạc sĩ Huỳnh Quốc Huy ra mắt chuỗi sự kiện âm nhạc "Từ đây… từ nay" với kỳ vọng tour diễn âm nhạc sẽ đến với khán giả quốc tế.
08:18 - 04/07/2024
198 lượt xem

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần đầu tổ chức thi cho podcast

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 lần đầu tổ chức thi cho thể loại podcast, một thể loại mới trong thời đại truyền thông số.
07:28 - 04/07/2024
210 lượt xem