24
/
165558
Tham vọng gia nhập BRICS của Thái Lan
tham-vong-gia-nhap-brics-cua-thai-lan
news

Tham vọng gia nhập BRICS của Thái Lan

Thứ 2, 17/06/2024 | 11:02:40
2,091 lượt xem

Ngày 11-6, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa đã gửi cho người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đơn xin gia nhập khối BRICS của nước này trong thời gian dự "Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển" ở thành phố Nizhny Novgorod (Nga).

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa tham gia “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” vào hôm 11-6 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO THÁI LAN

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa tham gia “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” vào hôm 11-6 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO THÁI LAN

Qua đó, Thái Lan chính thức trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên xin gia nhập khối BRICS và có thể sẽ là thành viên ASEAN đầu tiên của nhóm nền kinh tế Nam Bán cầu (Global South) này.\

Quyết định cùng thắng

Trước đó hồi cuối tháng 5, Nội các Thái Lan đã thông qua chủ trương cho nước này xin gia nhập BRICS. Thông báo chính thức của Chính phủ Thái Lan khi ấy nêu: "Việc gia nhập BRICS sẽ mang lại cho Thái Lan đa lợi ích trên nhiều khía cạnh, ví dụ như nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế cũng như tăng cường cơ hội tham gia việc xây dựng chính sách kinh tế quốc tế và thiết lập trật tự thế giới mới".

Thực tiễn cho thấy hoạt động giao thương hiện tại giữa Thái Lan và 10 nước thành viên BRICS chiếm đến 22,8% tổng kim ngạch thương mại của nước này. Do đó, nguyện vọng chính thức tham gia BRICS của Bangkok được nhiều nhà phân tích xem là quyết định cùng thắng.

Giám đốc Viện các nước đang phát triển trực thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Wang Youming nhận định: "Gia nhập BRICS mở ra không gian kinh tế rộng lớn cho quốc gia Đông Nam Á này vì họ cũng đang nỗ lực mạnh mẽ cho việc phát triển công nghệ hiện đại và chuyển đổi số nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững".

Tuy nhiên, dù Thái Lan xin gia nhập khối được xem là sinh ra làm đối trọng của phương Tây và nhóm G7, giới phân tích cho rằng đây không nhất thiết là thành công của BRICS trong việc lôi kéo một đồng minh của Washington.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin từng khẳng định trực diện mong muốn gắn kết hơn với Mỹ nhưng vẫn không ảnh hưởng đến mối quan hệ khá khắng khít Thái Lan - Trung Quốc.

BRICS không phải là tổ chức quốc tế duy nhất Bangkok muốn tham gia. Hồi tháng 12-2023, Nội các Thái Lan cũng đã thống nhất chủ trương nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Đây là nhóm 38 cường quốc kinh tế trên thế giới, có sự tham gia của đầy đủ các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Đức... Ngoài ra, Bangkok vẫn hoạt động tích cực trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế và quốc phòng với Mỹ.

Ông Zhao Zhijiang, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu độc lập Anbound, nhận định: "Quyết định xin gia nhập BRICS của Bangkok hoàn toàn dựa trên các cân nhắc về phát triển kinh tế và tài chính.

Dù đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, Thái Lan cũng không từ bỏ các cơ hội làm sâu sắc quan hệ kinh tế và thương mại với các nước phương Tây.

Thái Lan có thể không phủ nhận sự trỗi dậy của một trật tự thế giới mới, ít bị chi phối bởi phương Tây hơn và sẵn sàng tham gia xây dựng trật tự đó. Tuy nhiên, họ không muốn đẩy cao sự cạnh tranh địa chính trị có hơi hướng đối đầu".

Vào năm 2023, khi nói về mong muốn gia nhập BRICS, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Thirachai Phuvanatnaranubala khẳng định đó là con đường quan trọng để Thái Lan điều chỉnh cán cân quyền lực toàn cầu.

Báo Nation trích lời ông: "Thái Lan phải điều chỉnh chiến lược quan hệ đối ngoại của mình, giảm lệ thuộc vào Mỹ, nhưng cũng cẩn trọng tránh mọi vấn đề xấu với quan hệ lâu năm với Mỹ".

BRICS từng hướng đến Indonesia

Trang phân tích ASEAN Wonk nhắc lại việc Thái Lan thực chất không phải mục tiêu đầu tiên ở Đông Nam Á mà BRICS hướng đến. Ban đầu, các thảo luận về việc quốc gia ASEAN đầu tiên gia nhập BRICS lại xoay quanh nền kinh tế lớn nhất khu vực Indonesia.

Thái Lan cũng từng được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về BRICS, song thường không phải trọng tâm bàn tán vì đây là quốc gia đồng minh duy nhất ràng buộc với Mỹ bằng hiệp ước.

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc Wang Yiwei nhận định yêu cầu của Bangkok phản ánh "hiện tượng các nước dựa vào Mỹ về an ninh và Trung Quốc về kinh tế".

Ông nhận định: "Trong tương lai có thể xuất hiện xu hướng các nước đồng minh Mỹ không phải thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia nhập BRICS, chứ không chỉ dừng ở mức vài trường hợp cá biệt".

Tiêu biểu trong đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến công du Trung Quốc mới vừa kết thúc, ngoại trưởng nước này Hakan Fidan đã nhấn mạnh mong muốn tham gia BRICS của Ankara.

Tuy nhiên, ASEAN Wonk đánh giá khối BRICS vẫn còn "nhiều điều phải làm" trước khi có thể đóng vai trò lớn lao trong vấn đề quản trị toàn cầu. Dù là một tổ chức theo kiểu mới, BRICS vẫn còn "tương đối nhỏ và mong manh".

Ông Zhao cũng có nhận xét tương tự: "Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu, sự ảnh hưởng, tính đại diện và sự hấp dẫn của BRICS vẫn còn tương đối nhỏ. Đây còn là liên minh các quốc gia tương đối mong manh. Nền tảng của BRICS còn khá non nớt. Nó vẫn khá phức tạp, không như nhóm G7".

Theo ông Zhao, hạn chế này đến từ việc các nước thành viên vẫn còn nhiều khác biệt về lợi ích, trình độ phát triển, hệ thống chính trị, ý thức hệ và tôn giáo.

Mở ra nhiều cơ hội

Tạp chí Diplomat đánh giá việc gia nhập BRICS vẫn có thể mở ra nhiều cơ hội cho những nước như Thái Lan. Việc là thành viên của BRICS đến nay vẫn chưa cho thấy có thể mang lại hậu quả tiêu cực nào.

Tính chất các mối liên kết trong tổ chức cho thấy Bangkok không thật sự phải đưa ra những thay đổi chính sách sâu rộng có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Trái lại, Bangkok có thể tiếp tục "hái quả ngọt" từ việc liên kết chặt chẽ với cả phương Tây và nhóm Nam Bán cầu.

Viện Hòa bình Mỹ nêu trong một tuyên bố gần đây: "Khối BRICS sau mở rộng chắc chắn sẽ là diễn đàn đối thoại toàn cầu quan trọng giữa các nước có thu nhập trung bình. Sau hơn một thập niên tồn tại, việc BRICS có thể trở thành thế lực chính trị và kinh tế trong hệ thống quốc tế hay không vẫn còn theo dõi".

Theo Ngọc Đức/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/tham-vong-gia-nhap-brics-cua-thai-lan-20240617080930115.htm

  • Từ khóa

Nhật Bản lần đầu đón 30 máy bay quân sự từ ba nước châu Âu

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 25.6 thông báo Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của nước này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận chung với Đức, Pháp và...
14:49 - 26/06/2024
30 lượt xem

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mới ra biển

CHDCND Triều Tiên ngày 26.6 đã bắn một tên lửa đạn đạo về bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên, nhưng vụ phóng dường như đã thất bại.
11:37 - 26/06/2024
112 lượt xem

Các nhóm kháng chiến ở Iraq gửi cảnh báo đanh thép tới Israel

Các nhóm kháng chiến ở Iraq mới đây đã đưa ra một loạt cảnh báo đanh thép tới Israel nếu Tel Aviv bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại Lebanon.
10:44 - 26/06/2024
141 lượt xem

Người biểu tình chống tăng thuế xông vào quốc hội, Kenya hỗn loạn

Ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ hỗn loạn ở thủ đô Narobi của Kenya.
09:34 - 26/06/2024
177 lượt xem

Cuộc bầu cử sống còn ở Pháp

Cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Pháp có thể gieo rắc sự tàn phá nặng nề nhất kể từ Thế chiến 2, không chỉ cho Pháp mà còn đối với EU, NATO và trật tự thế...
07:33 - 26/06/2024
219 lượt xem