240
/
162909
Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước?
viet-nam-dang-thua-nuoc-hay-thieu-nuoc
news

Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước?

Thứ 4, 17/04/2024 | 08:17:29
2,152 lượt xem

Nhiều năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên lãnh thổ đất liền Việt Nam có tới 850 tỷ m3 nước, trong đó chỉ dùng khoảng 100 tỷ m3 cho các ngành sản xuất. Vậy Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước?

Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước?

Mặc dù chưa bước vào giai đoạn đỉnh điểm của nắng nóng, nhưng những ngày qua tại một số địa phương như Bình Thuận, Bình Định, Cà Mau,... đã ghi nhận tình trạng hạn hán, thiếu nước nhiều nơi.

Bên cạnh những đợt nắng hạn, thiếu nước kéo dài ở nhiều nơi, nhưng đến mùa mưa lũ nhiều khu vực lại xảy ra ngập lụt diện rộng. Vậy thực trạng nguồn nước ở Việt Nam như thế nào, chúng ta đang thừa nước hay thiếu nước?

Để tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Lượng nước trên lãnh thổ Việt Nam phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian

Ông có thể cho biết, thực trạng nguồn nước của Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Nhiều năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên lãnh thổ đất liền Việt Nam có khoảng 850 tỷ m3 nước. Trong đó, chúng ta chỉ sử dụng khoảng 100 tỷ m3 nước dùng cho tất cả các ngành sản xuất. Dự báo, tốc độ phát triển kinh tế, thì đến năm 2030 chúng ta cũng chỉ sử dụng 110 tỷ m3 nước cho tất cả các ngành sản xuất trong 1 năm.Với các con số này thì chúng ta đang thừa nước hay thiếu nước? Điều này rất quan trọng, nếu chúng ta không nhận thức đúng vấn đề sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước.

Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước? - 1

Nguồn nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam có tới 90% tập trung vào 3 tháng mùa mưa, 9 tháng còn lại chỉ chiếm 10%, thì đương nhiên thiếu nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nhưng khẳng định Việt Nam là quốc gia đang thiếu nước bởi mấy yếu tố sau:

Với 850 tỷ m3 nước mỗi năm, thì có tới 65% lượng nước sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như từ sông Mê Kông, sông Mã, sông Hồng,... và nguồn nước này không ổn định.

Còn xét ở góc độ an ninh nguồn nước, chúng ta chỉ xét lượng nước sản sinh trên lãnh thổ đất liền của Việt Nam, vì đó là nguồn nước chúng ta chủ động được.

Ngoài ra, nguồn nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam thì có tới 90% tập trung vào 3 tháng mùa mưa, 9 tháng còn lại chỉ chiếm 10%, thì đương nhiên thiếu nước. 

Tôi lấy ví dụ, cứ cho là sản lượng nước trên lãnh thổ Việt Nam tự sản sinh được 250-270 tỷ m3/năm, thì trong 9 tháng chỉ chiếm 10% (tương đương 27 tỷ m3). Trong khi chúng ta cần 100 tỷ m3 nước cho tất cả ngành sản xuất, thì 9 tháng đương nhiên là thiếu nước.

Từ phân tích trên cho thấy, lượng nước trên lãnh thổ Việt Nam phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian.

Bên cạnh đó, ngay cả lượng nước tự sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam chủ yếu là nước mưa cũng phân bổ không đồng đều giữa các địa phương.

Một yếu tố nữa cũng dẫn đến thực trạng thiếu nước ở Việt Nam đó là, với khoảng 100 tỷ m3 dùng cho sản xuất, nhưng lượng nước này không hoàn toàn dùng được hết cho sản xuất. Bởi nước phải đạt tiêu chuẩn mới dùng cho sản xuất, nhưng hiện nay nhiều con sông, suối ở Việt Nam ô nhiễm trầm trọng, mặc dù có nước nhưng không sử dụng được.

Tất cả các yếu tố trên tôi có thể khẳng định hiện nay Việt Nam đang thiếu nước. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nếu tính lượng nước sản sinh trên lãnh thổ từng nước theo đầu người, Việt Nam cũng được xếp ở nhóm quốc gia thiếu nước.

Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước? - 2

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: N.H.).

"Mọi quy hoạch phát triển kinh tế cơ bản đều bắt đầu từ nguồn nước"

Vậy giải pháp để khắc phục thực trạng về nguồn nước như ông phân tích ở trên là gì?

- Trước hết theo tôi phải là vấn đề nhận thức đúng về nguồn nước. Đầu tiên các cấp lãnh đạo phải nhận thức đúng, bởi lãnh đạo nhận thức đúng sẽ tác động rất lớn đến an ninh nguồn nước.

Hiện nay các quy hoạch phát triển kinh tế cơ bản đều bắt đầu từ nguồn nước. Ví dụ khi chúng ta chuẩn bị xây dựng 1 nhà máy, 1 khu công nghiệp cũng cần tính toán trước nguồn nước từ đâu. Đối với nhà máy còn tính đến nước thải sẽ thải ra đâu.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về đồng bằng sông Cửu Long cũng lấy nguồn nước để làm tiêu chí/trọng tâm cho quy hoạch phát triển. 

Do đó, nguồn nước phải được nhận thức đúng đắn, trước hết là đối với giới lãnh đạo, những người đưa ra các hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, sau đó mới đến nhận thức của người dân.

Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước? - 3

Hai hồ thủy lợi Sông Phan, Tà Mon (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã cạn đáy không đảm bảo nguồn nước tưới tiêu sản xuất và nông nghiệp (Ảnh: Phước Tuần).

Việt Nam đang sử dụng khoảng 100 tỷ m3 nước dùng cho tất cả các ngành sản xuất, trong đó 85% dùng cho sản xuất nông nghiệp, 15% cho các ngành sản xuất khác. 

Theo ông biện pháp để tiết kiệm nước cụ thể là gì?

- Bà con nông dân cần nhận thức rằng, chúng ta đang thiếu nước nên cần phải sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Ngoài ra, các nhà quản lý khi đưa ra các hoạch định chính sách phát triển kinh tế cần phải có nội dung sử dụng nước có trách nhiệm và tiết kiệm.

Từ nhận thức đúng, chúng ta phải cân đối, điều phối lượng nước hài hòa giữa các vùng khác nhau; phải tích nước mùa mưa dùng cho mùa khô. 

Chúng ta phải quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch nguồn nước. Hay nói cách khác, quy hoạch nguồn nước phải đi trước quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đất nước mới phát triển bền vững.

Tránh trường hợp khi chúng ta mở ra 1 khu công nghiệp mà ở đó lại không có nguồn nước thì rất lãng phí, thực tế đã xảy ra chuyện này. 

Một vấn đề rất quan trọng đó là, chúng ta phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sử dụng nguồn nước một cách thông minh, tiết kiệm và hiệu quả. Bởi chỉ có áp dụng khoa học kỹ thuật mới xử lý được nguồn nước thải và từ đó mới tái sử dụng được.

Việt Nam đang thừa nước hay thiếu nước? - 4

Tình trạng lũ lụt ở Quảng Bình vào năm 2020 (Ảnh: Tiến Thành).

Một trận lũ lụt có thể "thổi bay" thành quả phát triển kinh tế hàng chục năm

Ông nhận định như thế nào về vai trò của các hồ đập thủy lợi, hồ thủy điện?  

- Ngoài vấn đề sử dụng nước tiết kiệm, chúng ta cũng phải có các giải pháp để phòng chống tác hại của nước. 

Như tôi đã nói ở trên, lượng nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 250-270 tỷ m3 nước/năm, nhưng tập trung 90% vào 3 tháng mùa mưa, nên lượng nước thừa cục bộ, xảy ra các trận lũ lụt ở nhiều địa phương.

Nếu không phòng tránh tốt, một trận lũ lụt có thể "thổi bay" thành quả phát triển kinh tế - xã hội hàng chục năm của một địa phương.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 7.000 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó có 500 hồ chứa thủy điện, 6.500 hồ chứa thủy lợi. 

500 hồ thủy điện đang tích trữ 56 tỷ m3 nước, 6.500 hồ thủy lợi mới chỉ chứa được 16 tỷ m3 nước. An toàn đối với tất cả các hồ chứa là quan trọng, nhưng đối với hồ thủy điện lại đặc biệt quan trọng hơn.

Nếu hồ thủy điện mà xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ là thảm khốc. Tôi lấy ví dụ, chẳng may hồ thủy điện Hòa Bình gặp sự cố, thì khu vực ga Hà Nội sẽ ngập 3m nước. Với tính nghiêm trọng như vậy, an toàn hồ đập thủy điện luôn được đặc biệt quan tâm, các hồ thủy điện rất an toàn.

Còn đối với các hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 3 triệu m3, tôi khẳng định là an toàn. Riêng các hồ thủy lợi do cấp huyện, cấp xã tự làm tự quản lý, ở đâu đó thi thoảng xảy ra sự cố. Các hồ chứa nhỏ này có tuổi đời từ lâu, đã xuống cấp cần được thường xuyên gia cố.

Theo rà soát, hiện có khoảng 1.000 hồ chứa thủy lợi nhỏ đã xuống cấp, cần được gia cố và sẽ hoàn thành xong vào năm 2025.

Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước từng bước được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường.

Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên.

Hợp tác quốc tế được mở rộng, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Dương/Dân trí

https://dantri.com.vn/xa-hoi/viet-nam-dang-thua-nuoc-hay-thieu-nuoc-20240416235701663.htm

  • Từ khóa

Động đất 4.1 độ ở Kon Tum, nhiều tỉnh lân cận cảm nhận rung lắc

Một trận động đất có độ lớn 4.1 độ vừa xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Người dân nhiều tỉnh lân cận cũng cảm nhận được rung...
12:14 - 30/04/2024
53 lượt xem

Gần 3.000 tài xế bị tước bằng lái trong ngày thứ ba nghỉ lễ 30/4-1/5

Ngày 29/4, toàn quốc xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, khiến 38 người chết và 72 người bị thương. Lực lượng chức năng cũng tước hơn 2.900 giấy phép lái xe,...
19:19 - 29/04/2024
444 lượt xem

Lương cao gấp ba, nhiều công nhân tự nguyện làm việc xuyên lễ

Đi làm ngày lễ, thu nhập tăng gấp ba ngày thường nên nhiều người lao động đăng ký đi làm, sau lễ mới xin nghỉ phép
11:10 - 29/04/2024
653 lượt xem

TP.HCM nóng như 'chảo lửa'

Chưa đến 6 giờ sáng đã thấy ánh mặt trời, đến gần 6 giờ chiều nắng mới dịu bớt. Giữa trưa, nhiệt độ cảm nhận lên đến 44 - 45 độ C. Nhiều người dân ở...
07:30 - 29/04/2024
755 lượt xem

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày thứ hai kỳ nghỉ lễ

Tại Hà Nội, ngày hôm nay nắng nóng tiếp tục gay gắt, nhiệt độ ngoài trời dự báo lên đến 40 độ C. Bước sang ngày thứ 2 của kỳ nghỉ, đường phố Thủ đô khá...
14:56 - 28/04/2024
1,132 lượt xem