Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nhiều cán bộ đang làm tốt công việc của mình, nhưng đâu đó cũng có một bộ phận làm chưa tốt. Chính bộ phận làm chưa tốt gây ra những hệ quả.
Báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020 cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra 369 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 14,24%. Đặc biệt, xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ, tăng 280%. Thống kê số liệu cho thấy số vụ, tính chất, mức độ chống đối ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh.
Đặc biệt, nhiều đối tượng chống đối đã có những hành vi thể hiện rõ thái độ coi thường luật pháp, bộc lộ tính chất nguy hiểm, côn đồ và ngày càng manh động, liều lĩnh. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Xử lý chưa nghiêm
PV: Ông bình luận gì về số vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian qua?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Theo tôi, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, đó là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận công dân hiện nay không tốt. Thứ hai, xuất phát từ chính những người thi hành công vụ. Bởi thực tế, đâu đó đã xuất hiện những người thi hành công vụ không chuẩn. Họ cố tình vi phạm đạo đức công vụ hoặc vi phạm quy định của pháp luật về thực thi công vụ. Qua đó, dẫn đến người vi phạm có biểu hiện, hành động chống đối.
Tất nhiên, bất luận trong trường hợp nào chúng ta cũng phải khẳng định, hành vi chống người thi hành công vụ là sai, cần lên án và chấn chỉnh. Cùng với đó, việc xử lý hành vi chống người thi hành công vụ đâu đó còn không nghiêm túc, hay nói cách khác, là chúng ta chưa xử lý triệt để, từ đó dẫn tới câu chuyện “hiệu ứng lan truyền”.
PV: Ông có thể phân tích hành vi thế nào được coi là chống người thi hành công vụ?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Về mặt hình sự được quy định rất rõ ràng ở Điều 330, Bộ Luật hình sự. Bao gồm 2 nhóm hành vi, một là hành vi chống lại bằng vũ lực. Hai là hành vi cản trở không cho người ta thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo Luật cán bộ, công chức thì công dân có quyền góp ý với đội ngũ thực thi công vụ. Nhưng rõ ràng khi chúng ta xem những video clip thực tế lan truyền trên mạng xã hội, những người thi hành công vụ còn đồng nhất hành vi góp ý với chống người thi hành công vụ.
Hành vi góp ý ở đây tôi phân thành 2 nhóm. Một nhóm góp ý nhẹ nhàng, còn một nhóm góp với tính chất gay gắt, thậm chí là lên án. Nhiều trường hợp, người thi hành công vụ biết mình sai, nhưng lại “cả vú lấp miệng em” dẫn tới là người dân càng bức xúc.
Thực tế, có những người thi hành công vụ lại bảo “ai cho ông quay video tôi?”. Tôi khẳng định, công dân có quyền quay lại hình ảnh làm việc để làm chứng cứ khiếu nại, tố cáo. Còn hành vi quay đó để làm nhục, để bôi nhọ rõ ràng hành vi đấy lại là sai.
Hình ảnh người vi phạm chống đối lực lượng chức năng (Ảnh: KT)
Về tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, khoản 1, mức án cao nhất của nó lên đến 3 năm tù. Nhưng ở khoản 2, nếu người vi phạm có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên, hoặc xúi giục lôi kéo động những người khác chống người thi hành công vụ, hoặc là các hành vi chống người thi hành công vụ dẫn tới gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm thì hình phạt của nó là cao nhất đến 7 năm tù.
Còn một hành vi nữa được quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình. Điểm d khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là giết người thi hành công vụ hoặc là giết người không trong thời gian thi hành công vụ nhưng vì lý do công vụ của nạn nhân. Hình phạt cho hành động này lên tới tử hình....Hoặc nặng nhất của cố ý gây thương tích là tù chung thân.
Như vậy, câu chuyện ở đây, chế tài không phải là nhẹ nhưng thời gian qua việc chống người thi hành công vụ lại xảy ra nhiều, nhưng chúng ta không xử được bao nhiêu.
Không để “nhờn” luật
PV: Vậy việc không xử lý triệt để, theo ông, dẫn đến hậu quả gì?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Câu chuyện xử lý không triệt để dẫn tới hai điều. Thứ nhất, đối với chính người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, nếu không có ai bị xử lý người ta sẽ nhàm luật.
Thứ hai, đối với những người không vi phạm, người ta thấy người vi phạm không bị xử lý gì, thì nghĩ nếu mình mình ức quá mình chửi vài câu cũng không sao. Cho nên, câu chuyện ở đây là chúng ta phải xử lý triệt để, nếu không sẽ dẫn tới câu chuyện bất bình đẳng.
Còn một vấn đề nữa, đối với người thi hành công vụ, đó là đâu đó xuất hiện tình trạng bảo kê cho ngành hàng dịch vụ. Theo đó, nếu hàng quán nào hằng tháng nộp tiền “bảo kê” cho một bộ phận quản lý sẽ không bị xử phạt. Nhưng hàng quán nào chỉ nộp thuế đơn thuần sẽ bị gây khó dễ trong quá trình kinh doanh. Từ đó, chắc chắn trong tư tưởng người không nộp tiền “bảo kê” sẽ xuất hiện suy nghĩ muốn chống đối. Cho nên, câu chuyện ở đây chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để xử lý.
Hiện trường vụ chống người thi hành công vụ tại Bắc Giang.
PV: Điều này có phải là do luật của chúng ta chưa nghiêm, thưa ông?.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Không phải luật chưa nghiêm, mà câu chuyện thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm túc. Hành vi bảo kê ở đây, thực chất là hành vi nhận hối lộ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự. Hành vi của các cán bộ này là hành vi bảo kê, tức là hành vi nhận hối lộ kéo dài.
Và câu chuyện ở đây là chúng ta chưa xử lý nghiêm túc, dẫn tới, hôm nay bảo kê tôi được 500.000 đồng ngày mai tôi được 500.000 đồng. Có thể người thực hiện nghĩ là bình thường, nhưng nếu cứ kéo dài thì người thi hành công vụ sẽ trượt dài. Cho nên, cốt lõi ở vấn đề là chúng ta phải chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu không làm, sẽ tạo ra phản ứng xã hội, và gây ra hiệu ứng không tốt trong thực tiễn.
PV: Trong 369 vụ chống người thi hành công vụ, có tới 285 vụ chống lại lực lượng công an. Thiếu tướng có thể phân tích gì về điều này?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Ở đây chúng ta nói 2 vấn đề. Nhiều cán bộ đang làm tốt công việc của mình, công vụ của mình, nhưng đâu đó cũng có một bộ phận làm chưa tốt.
Chính bộ phận làm chưa tốt gây ra hai hệ quả. Hệ quả thứ nhất, đó là phản ứng của xã hội đối với chính người thi hành công vụ. Cao hơn nữa, đó là hành vi chống người thi hành công vụ.
Nhưng hệ quả thứ hai, tôi cho rằng chính những cán bộ thi hành không nghiêm túc công vụ của mình là có lỗi với chính đồng đội của mình. Bởi, đồng đội của mình làm tốt, thậm chí có người hy sinh lại bị người ta ghét oan. Qua đó, tạo ra hiệu ứng, mà như vậy là người ta nhìn những đồng đội của mình bằng con mắt chưa thiện cảm.
Điều này xuất phát từ việc thi hành công vụ chưa nghiêm túc. Việc đó, chúng ta cần nhìn nhận về phương diện xã hội học, qua đó có cách xử lý người thi hành công vụ, cũng như người chống người thi hành công vụ.
PV: Để giảm những vụ việc chống người thi hành công vụ, theo ông cần có những biện pháp đồng bộ nào?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Theo tôi có hai nhóm giải pháp. Đầu tiên, từ phía người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ, phải thừa nhận người dân được ghi hình khi mình đang làm nhiệm vụ. Còn việc ghi âm, ghi hình để thóa mạ, làm nhục thì cần xử lý.
Nhóm giải pháp thứ hai, phải xử lý nghiêm túc người có hành vi chống người thi hành công vụ. Bởi, khi có con người cụ thể, vụ việc cụ thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì người dân không nhàm luật. Qua đó, tạo tính răn đe.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/kho-han-che-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-neu-con-tinh-trang-bao-ke-781665.vov