Các đối tượng này yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo và từ thông tin này chúng thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Cảnh báo của Vietcombank về các website giả mạo. (Nguồn: Vietnam+)
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thông báo đến khách hàng cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian, nhằm bảo vệ tài sản cá nhân.
Theo đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, uy tín, thương hiệu của hệ thống ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo thông qua website giả mạo ngày càng tinh vi.
Đại diện Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Shinhan cho biết, các đối tượng này thường gửi tin nhắn văn bản, tin nhắn đa phương tiện hoặc thông qua các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… có chứa đường dẫn liên kết đến website giả mạo có tên địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thống của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán…
Các đối tượng này yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo và từ thông tin này chúng thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
“Các đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn văn bản có nội dung yêu cầu thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng theo đường dẫn liên kết giả mạo và yêu cầu cung cấp mã xác thực OTP… Vì vậy, trong trường hợp cần được hỗ trợ để xác thực thông tin, khách hàng nên liên hệ hoặc đến trực tiếp tại các trung tâm dịch vụ khách hàng hoặc chi nhánh, phòng giao dịch để kiểm tra mức độ chính xác,” đại diện Ngân hàng Shinhan chia sẻ.
Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tiếp nhận thông tin từ khách hàng cho biết, có một số đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng OCB và chủ động liên hệ trực tiếp với khách hàng.
Các đối tượng này thông báo khách hàng được duyệt mở thẻ tín dụng với hạn mức cao, miễn lãi phí trong 3 năm, yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 300.000-400.000 đồng để nhận thẻ sử dụng.
Theo Ngân hàng OCB, các đối tượng này sử dụng các thiết bị viễn thông, lập các website tương tự với các trang web của ngân hàng, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu ngân hàng OCB, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước để được nhận thẻ tín dụng. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu, không liên lạc được.
Đại diện ngân hàng OCB cho biết, thẻ tín dụng giả thường được làm bằng tấm nhựa bình thường, có thông tin sơ sài, mẫu mã kém thẩm mỹ, có các thông tin sao chép nhãn hiệu, copy logo và mẫu mã của các tổ chức thẻ tín dụng quốc tế và ngân hàng...
[Ngân hàng cảnh báo các chiêu thức lừa đảo trong mùa COVID-19]
Trong những trường hợp này, khách hàng tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác.
Cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản, các ngân hàng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức cần cẩn trọng, cảnh giác với cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, tin nhắn mạng xã hội, email xưng danh nhân viên ngân hàng yêu cầu chuyển khoản phí mở thẻ tín dụng.
Khách hàng cần thận trọng hoặc không nên mở các tệp tin, truy cập các đường dẫn gửi kèm những email, tin nhắn… chứa thông tin không rõ nguồn gốc hay các đường dẫn liên kết đến các website nghi ngờ giả mạo; thực hiện kiểm tra lại tên miền của trang web giao dịch nếu nghi ngờ.
Để tránh rơi vào bẫy của tội phạm công nghệ, các ngân hàng cũng khuyến nghị khách hàng cần cảnh giác khi giao dịch trực tuyến, các dịch vụ Internet banking; tuyệt đối không cung cấp mã PIN thẻ, mật khẩu, mã OTP, không chia sẻ hay cung cấp các thông tin bảo mật cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các đường dẫn, email, điện thoại, tin nhắn… chưa được xác thực.
Nhiều ngân hàng khẳng định, việc mở thẻ tín dụng tại ngân hàng được thực hiện đầy đủ quy trình; hoàn toàn không yêu cầu khách hàng nạp tiền, chuyển khoản hay thu phí mở hồ sơ mở thẻ tín dụng.
Khi có nghi vấn, khách hàng cần liên hệ ngay với trung tâm dịch vụ khách hàng, hotline hỗ trợ, các chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng gần nhất hoặc các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời./.
Theo T.Vũ-H.Chung (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-thu-doan-lua-dao-thong-qua-website-gia-mao/664472.vnp