Nhiều người dùng nhận được những cuộc gọi được cho là gọi đến từ các hãng công nghệ lớn, thông báo về một chương trình khuyến mãi và quà tặng mà chỉ cần trả một số tiền nhỏ để tham gia…
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Hữu Bình (sống tại Tp.HCM) cho biết mình cách đây 3 năm, gia đình có mua một chiếc máy giặt của Samsung và đã hết thời hạn bảo hành. Tuy nhiên, cách đây ít ngày, anh nhận được một cuộc gọi đến số điện thoại di động của mình, với thông báo anh được tặng tham gia chương trình khuyến mãi mở rộng thời gian bảo hành sản phẩm của Samsung.
Nếu đồng ý tham gia chương trình này, anh Bình sẽ được phía Samsung gửi tặng món quà là một chiếc túi giặt thông minh, có thể tự sinh ra bọt khi giặt mà không cần phải sử dụng bột giặt. Ngoài ra, anh sẽ được các nhân viên kỹ thuật của Samsung đến tận nhà để bảo dưỡng, làm vệ sinh máy giặt hoàn toàn miễn phí.
Tấm thẻ bảo hành mà anh Bình nhận được không liên quan gì đến Samsung và số điện thoại cũng không liên hệ được
Tuy nhiên, nhân viên tư vấn cho biết khi nhận quà tặng là chiếc túi giặt thông minh kèm theo một phiếu gia hạn thời gian bảo hành được gửi qua đường bưu điện, anh Bình sẽ phải trả số tiền 200 ngàn đồng, xem như là giá dịch vụ vận chuyển. Nhân viên tư vấn cho biết anh Bình khi nhận hàng có thể kiểm tra quà tặng và có thể từ chối trả tiền nếu muốn.
Anh Bình cho biết số điện thoại gọi đến cho anh là số điện thoại di động thông thường, thay vì số tổng đài chăm sóc khách hàng của Samsung. Tuy nhiên, ngay khi anh nhận được cuộc gọi, người tự nhận là nhân viên tư vấn của Samsung đã có thể đọc đúng họ, tên và địa chỉ nhà hiện tại của anh. Ngoài ra, người này còn nắm rõ được việc gia đình anh đang sử dụng một chiếc máy giặt của Samsung, khiến anh không hề hoài nghi về số điện thoại gọi đến và tin chắc rằng đây chính là nhân viên tư vấn của Samsung, bởi lẽ chỉ có Samsung mới có thể nắm chính xác và đầy đủ các thông tin về khách hàng như vậy.
Khi nhận quà tặng được gửi đến địa chỉ nhà mình qua đường bưu điện và trả số tiền 200.000 đồng, anh Bình mới phát hiện ra rằng chiếc túi giặt mình nhận được thực chất là một chiếc túi giặt hoàn toàn bình thường, có giá bán chỉ vài chục ngàn đồng, chứ không phải là túi giặt thông minh như được nhân viên tư vấn quảng cáo. Ngoài ra, thẻ bảo hành mà anh nhận được là thẻ bảo hành của một cửa hàng điện tử có địa chỉ tại Hà Nội, chứ không phải là thẻ bảo hành của Samsung. Khi thử liên lạc vào số điện thoại di động in trên thẻ bảo hành này, anh Bình chỉ nhận được thông báo số điện thoại không liên lạc được.
Đến thời điểm này, anh Bình mới nhận ra rằng mình đã bị “mắc bẫy” của những kẻ lừa đảo qua điện thoại.
“Thực ra số tiền bị lừa đảo đối với tôi không lớn lắm, nhưng với nhiều gia đình thì 200.000 đồng không phải là số tiền nhỏ. Nếu chiếu trò này thành công càng nhiều, những kẻ lừa đảo sẽ thu được một số tiền không hề nhỏ”, anh Bình chia sẻ.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ với Samsung Việt Nam và đại diện của công ty này khẳng định Samsung không hề có chương trình gia hạn bảo hành nào dành cho khách hàng.
“Samsung khẳng định đây không phải chương trình của chúng tôi. Để được bảo đảm quyền lợi, rất mong người tiêu dùng gọi về các đường dây hotline của Samsung hoặc đến trung tâm bảo hành gần nhất để được tư vấn và giúp đỡ”, một đại diện của Samsung cho biết.
Nhiều hãng công nghệ bị lợi dụng thương hiệu để lừa đảo “gia hạn bảo hành”
Tìm hiểu thêm về vấn đề, phóng viên Dân trí nhận thấy không chỉ Samsung bị những kẻ lừa đảo lợi dụng thương hiệu cho chiêu trò của mình, mà nhiều hãng công nghệ và điện tử lớn khác tại Việt Nam cũng đã bị lợi dụng.
Nhiều trường hợp nhận được cuộc gọi điện thoại để tư vấn về chương trình gia hạn bảo hành cho tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, laptop hay TV… và để tham gia chương trình khuyến mãi này, người dùng cũng sẽ được nhận được một thẻ bảo hành được gửi qua đường bưu điện và sẽ phải đóng số tiền vài trăm ngàn đồng khi nhận thẻ.
Nhiều người dùng sau khi trả tiền để nhận thẻ bảo hành thì không thấy nhân viên tư vấn gọi điện lại và khi gọi điện lên số điện thoại chăm sóc khách hàng của các hãng điện tử, họ mới nhận ra rằng mình đã “dính quả lừa”.
Đặc điểm chung của những nạn nhân bị dính “chiêu lừa” này đó là khi kẻ lừa đảo gọi đến số điện thoại của họ đều đọc đúng tên, địa chỉ, loại thiết bị điện tử mà họ đang sử dụng và biết rõ thiết bị đã hết thời hạn bảo hành. Bên cạnh đó những kẻ lừa đảo còn cho phép nhận thẻ bảo hành rồi mới trả tiền, thay vì buộc phải trả tiền qua tài khoản ngân hàng, điều này khiến các nạn nhân không hoài nghi và tin rằng đó là nhân viên tư vấn từ các hãng điện tử.
Để tránh trở thành nạn nhân của “chiêu trò” lừa đảo kể trên, người dùng nên liên hệ số điện thoại chăm sóc khách hàng của các hãng công nghệ, điện tử để hỏi rõ về chương trình gia hạn bảo hành của hãng.
Vấn đề đặt ra là làm cách nào mà những kẻ lừa đảo lại có đầy đủ thông tin của người dùng, từ thông tin cá nhân, số điện thoại, loại thiết bị điện tử đang sử dụng (bao gồm cả đúng tên của nhãn hiệu)… để có thể thuyết phục người dùng như vậy? Phải chăng thông tin của người dùng khi mua sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị bán lẻ đồ điện tử đã bị bán lại cho bên thứ ba để sử dụng cho mục đích lừa đảo?
Theo T.Thủy/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/canh-bao-chieu-tro-bao-hanh-mien-phi-thiet-bi-dien-tu-de-lua-dao-20200901025610051.htm