Ngày 26.8, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ được Nông Văn Tú, kẻ nổ súng trước đó làm một phụ nữ tử vong, khi đang lẩn trốn tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Một lần nữa vấn đề sử dụng súng quân dụng trái phép đang đặt ra nhức nhối, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những biện pháp mới để giải quyết.
Tang vật của một vụ án hình sự có súng tự chế. Nguồn: BCA
Dùng súng để “tự xử”
Ngay sau khi bắt giữ được Tú, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã đưa về Thái Nguyên để lấy lời khai ban đầu. Tú khai, do mâu thuẫn cá nhân nên dùng súng để giải quyết.
Ngoài vụ việc nói trên, hôm 3.8, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện, triệt phá, bắt giữ 13 đối tượng trong hai nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn tỉnh.
Cầm đầu hai nhóm là Lê Bá Kiên (43 tuổi, huyện Bảo Thắng) và Lê Cao Nam (37 tuổi, thành phố Lào Cai).
2 băng ổ nhóm trên chuyên hoạt động bảo kê, bốc xếp hàng hoá trái phép trên tuyến biên giới và kinh doanh tín dụng đen. Do mâu thuẫn nên huy động nhiều đàn em để “nói chuyện”.
Nhóm này đi trên 7 ôtô, xe máy, mang theo súng, dao kiếm tự chế để giải quyết.
Khám xét nhanh tại nơi ở và hiện trường vụ “thanh toán” lẫn nhau, cảnh sát thu giữ: 7 khẩu súng các loại, 105 viên đạn, 11 vỏ đạn, 41 dao kiếm...
Trước vụ trên, ngay tại Hà Nội, cũng xảy ra hỗn chiến khi hai nhóm côn đồ mang súng bắn nhau, khiến 1 người bị thương.
Vụ việc xảy ra hôm 30.3, tại phường Quang Trung, Q.Hà Đông (Hà Nội). Nguyên do, Nguyễn Đức Anh (29 tuổi, ở phường Quang Trung, Q.Hà Đông) và Đỗ Hồng Thái (30 tuổi, ở phường Phúc La) có mâu thuẫn và hẹn nhau “nói chuyện”. Sau đó, hơn 10 đối tượng hẹn gặp nhau rồi xông vào ẩu đả, lao ôtô vào nhau, có cả tiếng súng nổ trước tòa nhà ở Q.Hà Đông (Hà Nội).
Ngay sau vụ việc, cơ quan công an vào cuộc, bắt giữ 8 đối tượng liên quan, trong đó có Đức Anh và Thái. Cảnh sát cũng thu một súng dạng bút, 3 xe ôtô cùng búa và dao.
Chế tài nào xử lý việc mua - bán, sử dụng súng tự chế?
Việc các đối tượng giang hồ sử dụng súng, súng tự chế dễ dàng bởi việc mua các loại này trên mạng không khó. Mặc dù cơ quan công an gần đây đã triệt phá nhiều vụ mua - bán súng tự chế, các bộ phận lắp ráp súng, song tình trạng này vẫn nở rộ trên mạng. Liên hệ với một trang web rao bán nhiều loại súng, trong đó có bắn đạn bi, đạn sắt, đạn chì... được đưa công khai. Có cả súng quân dụng, ổ đạn 6 viên, giá từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng/khẩu.
Trao đổi với người tự xưng là bán súng của trang web này, để “đặt hàng” khẩu bắn chim loại Sniper M05, nhưng có tính sát thương cao khi khoảng cách gần, họ cho biết giá “full” 3 triệu đồng, gồm: Khẩu súng hoàn chỉnh (các bộ phận được tháo rời khi vận chuyển); phí ship; bình gas; bịch đạn sắt (khoảng 200 viên).
Người này cho hay, khách phải đặt cọc trước 500.000 đồng, có thể chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, hoặc ví Momo. “Sau đó, bạn có thể gửi địa chỉ, số điện thoại để ship mang tới”, người này dặn. Mọi việc liên hệ giữa người bán - người mua đều qua chat.
Khi được hỏi: “Hàng ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh”, người này cho rằng “không nói được”.
Sẽ sửa luật để hạn chế mua bán súng qua mạng
Trước tình hình rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, trong đó có các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Đồng thời, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội, nhất là phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để không thực hiện các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh để phát hiện các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các website, mạng xã hội, thuê bao viễn thông đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán, hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.
Phát hiện hơn 10.000 vũ khí qua mua bán Đồng thời, lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội; qua đó đã phát hiện, xử lý hơn 9.000 bưu phẩm gửi trong nước có chứa trên 11.000 vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện, vật liệu để chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ. Ông Nguyễn Minh Long (GĐ Cty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội): Theo quy định không được mua bán, sử dụng súng tự chế. Người mua bán kinh doanh súng tự chế và các dụng cụ lắp ráp căn cứ Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; Phạt 10-20 triệu đồng đối với mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao. Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng khi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép. |
Theo Mai Hường - Minh Bằng/ Lao Động
https://laodong.vn/phap-luat/mua-sung-tren-mang-qua-de-de-tu-xu-831749.ldo