Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh nổi lên tình trạng nhiều người dân bị các đối tượng mạo danh cơ quan tổ chức Nhà nước, gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Với thủ đoạn không hề mới, nhưng vẫn có rất nhiều người lương thiện sập bẫy của những kẻ lừa đảo…
Các đơn vị thuộc Công an Hà Nội đang tiến hành điều tra, bắt giữ các đối tượng hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nêu trên. Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, cũng như chuyển tiền cho các đối tượng liên lạc thông qua mạng điện thoại.
Nhận cú điện thoại... “bay” nửa tỷ đồng
Ngày 4-7, Công an quận Đống Đa, Hà Nội nhận được đơn trình báo của ông N.Đ (ở quận Đống Đa) trình báo về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 500 triệu đồng qua điện thoại. Theo đơn trình báo, vào sáng cùng ngày, ông Đ nhận được cuộc điện thoại của một nam giới, tự xưng là nhân viên của Viện kiểm sát nhân dân..., thông báo về việc ông Đ phải thực hiện một quyết định liên quan đến tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự(!)
Sau khi nói chuyện, đối tượng yêu cầu ông Đ cung cấp ngày sinh, số chứng minh nhân dân để đối chiếu với quyết định. Do cả tin nên ông Đ đã cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ.
Các đối tượng làm giả quyết định của cơ quan tổ chức gửi cho các nạn nhân
Chỉ ít phút sau, đối tượng này đã gửi cho nạn nhân một quyết định có dấu của Viện kiểm sát nhân dân..., ghi các thông tin của ông Đ. Lo lắng vì không biết chuyện gì xảy ra, ông Đ đã liên tiếp bị đối tượng “dọa dẫm”.
Sau đó, đối tượng này yêu cầu ông Đ phải chuyển khoản 500 triệu đồng để thực hiện quyết định tạm giữ tài sản thi hành án hình sự. Ông Đ quá lo sợ, đã nhanh chóng chuyển khoản cho đối tượng số tiền theo yêu cầu.
Ngay sau đó, nạn nhân biết bị lừa đã đến cơ quan công an trình báo. Tại đây, ông Đ vẫn nghi ngờ về những quyết định của các đối tượng gửi cho mình liệu có phải là thật và nhiều lần hỏi cán bộ điều tra để xác thực. Tuy nhiên, Công an quận Đống Đa khẳng định toàn bộ các giấy tờ đối tượng gửi cho ông Đ là giả, số tiền ông Đ chuyển cho đối tượng lúc đầu cũng đã được chuyển đi nhiều ngân hàng khác nhau và đã bị rút hết.
“Thật ra tôi đã được nghe cảnh báo nhiều lần, nhưng không nghĩ mình bị lừa vì những người lạ gọi điện thoại rất nhanh và gửi các thông báo có dấu đỏ khiến tôi hoảng sợ, trong lúc nói chuyện đối tượng liên tục dùng các lời lẽ dọa nạt, làm cho đầu óc tôi “quẫn”, đã gửi tiền cho đối tượng mà không biết bị lừa”, ông Đ chia sẻ.
Tương tự ông Đ, ngày 26-5, bà L (SN 1959; trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, người bên kia đầu dây tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát và Công an..., thông báo bà đang liên quan đến một vụ án ma túy; rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để điều tra nếu không sẽ bị bắt giữ.
Do hoảng sợ, bà L vội đến phòng giao dịch Ngân hàng V. rút 450 triệu để chuyển vào tài khoản của các đối tượng. Khi thấy bà L có dấu hiệu lo lắng, hoảng loạn, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, giải thích cho khách hàng không chuyển tiền vào tài khoản lạ, đồng thời thông báo cho Công an quận Hoàn Kiếm đến kiểm tra, xác minh.
Sau khi được Công an quận Hoàn Kiếm và cán bộ ngân hàng giải thích đây là hình thức lừa đảo, bà L đã bình tĩnh dừng toàn bộ giao dịch chuyển tiền.
Đánh sập đường dây “siêu lừa” qua điện thoại
Cuối tháng 6-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an triệt phá đường dây lừa đảo qua điện thoại.
Các đối tượng trong đường dây tội phạm lừa đảo bị bắt giữ
Các đối tượng trong đường dây tội phạm này đã mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, gọi điện thoại cho người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Danh tính các đối tượng bị bắt giữ gồm: Đặng Thành Toại (SN 1995, trú tại xã Ea Drong, huyện Buôn Hồ); Lê Ngọc Quyền (SN 1995, trú tại xã An Lạc, huyện Buôn Hồ); Nguyễn Tấn Thắng (SN 1996, trú tại xã An Bình, huyện Buôn Hồ) và Lê Công Thái (SN 1995, trú tại xã An Lạc, huyện Buôn Hồ - Đắk Lắk).
Theo tài liệu điều tra, từ đầu năm 2020, Đặng Thành Toại đã kết nối với một số đối tượng để mở các tài khoản ngân hàng, mục đích để chuyển - nhận tiền có được từ việc lừa đảo. Sau khi kết nối, Toại đã rủ Quyền, Thắng và Thái cùng tham gia.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đã gom các chứng minh nhân dân tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ, sau đó làm giả và mở tài khoản tại nhiều ngân hàng.
Sau khi có "địa chỉ" nhận tiền, các đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, gọi điện thoại cho "con mồi" thông báo có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, liên quan đến khoản nợ ngân hàng và đã có lệnh bắt của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát. Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là cán bộ Công an, Kiểm sát viên thụ lý vụ án và dùng lời lẽ đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, có trường hợp nạn nhân bị lừa đến 2,2 tỉ đồng...
Cần nâng cao cảnh giác
Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội, giả danh Công an hay nhân viên công quyền của cơ quan Nhà nước để gọi điện thoại dọa dẫm, ép người dân phải chuyển tiền vào tài khoản khác để xác minh, rồi nhanh chóng rút sạch tiền là thủ đoạn quá cũ của những kẻ lừa đảo, nhưng vẫn có không ít nạn nhân sập bẫy trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, số tiền mà các đối tượng rút được trong mỗi vụ lừa đảo kiểu này lên tới hàng trăm triệu đồng, có khi tới cả tỷ đồng. Bị hại sau khi bị mê muội vì những lời “chém gió”, đã bừng tỉnh nhưng số tiền mà họ cả đời tích cóp thì biến mất.
Thông tin với phóng viên Báo ANTĐ, chỉ huy Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng mạo danh cơ quan chức năng rất tinh vi, khi gọi điện thoại trên cơ sở kết nối Internet (thông qua phương thức VOIP) nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra. Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Khi người dân kiểm tra thì tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan tố tụng. Người dân không hề biết rằng, tội phạm đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng, nhưng khi người dân gọi lại thì không đúng.
Cơ quan công an lưu ý, người dân cần biết là tất cả số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua Internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Đặc biệt, đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại cho người cao tuổi, phụ nữ, ở khung thời gian từ 8h đến 17h hàng ngày, là khoảng thời gian người già, người cao tuổi thường ở nhà một mình khi con cháu không có nhà.
Khi có người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện thoại đến hỏi việc, người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan Công an cũng như những cơ quan chức năng khác không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, hay yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản như trên. Bất kỳ trường hợp nào các cơ quan chức năng làm việc liên quan đến luật pháp, đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ cho đương sự và không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu người có trách nhiệm liên quan phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.
Theo Linh Nhi/ Anninhthudo
https://anninhthudo.vn/phap-luat/nong-toi-pham-mao-danh-co-quan-chuc-nang-lua-dao-chiem-doat-tai-san/859966.antd