Trong nhóm các bị cáo, Châu Văn Khảm bị tuyên mức án cao nhất là 12 năm tù, bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chấp hành án xong hình phạt tù.
Ngày 11/11, Tòa án nhân dân TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 6 bị cáo trong vụ án liên quan đến tổ chức khủng bố Việt Tân. Trong đó, có 3 bị cáo bị truy tố tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo khoản 2, Điều 113, Bộ luật Hình sự năm 2015; 3 bị cáo bị truy tố tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tòa tuyên phạt Châu Văn Khảm (tên khác là Hoàng Liêm, thường trú ở Úc) 12 năm tù; Nguyễn Văn Viễn (tài xế Grab bike, ngụ tỉnh Quảng Nam) 11 năm tù và Trần Văn Quyền (thợ lắp camera, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) 10 năm tù, cùng về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Các bị cáo Nguyễn Thị Ánh, Trần Thị Nhài, Châu Văn Khảm tại tòa (từ trái qua phải)
Đối với bị cáo Khảm, tòa tuyên trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chấp hành án xong hình phạt tù; hai bị cáo Viễn và Quyền bị quản chế 5 năm tại địa phương sau khi mãn hạn tù.
Liên quan vụ án, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt Bùi Văn Kiên (ngụ Tây Ninh) 4 năm tù, Nguyễn Thị Ánh (ngụ tỉnh Đồng Tháp), Trần Thị Nhài (ngụ tỉnh Nghệ An) mỗi bị cáo 3 năm tù cùng về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo cáo trạng, cái gọi là “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” hay còn gọi là Việt Tân là tổ chức phản động lưu vong người Việt, do Hoàng Cơ Minh thành lập năm 1982 tại Thái Lan.
Hiện tổ chức này do Đỗ Hoàng Điềm làm Chủ tịch để lãnh đạo “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” ra đời năm 1980 tại Mỹ; hoạt động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các bị cáo Trần Văn Quyền, Nguyễn Văn Viễn, Bùi Văn Kiên tại tòa.
Tổ chức phản động này chủ trương dùng bạo lực, vũ trang, khủng bố, phá hoại ở Việt Nam, sau đó chuyển sang phương thức “đấu tranh bất bạo động hiện đại”. Tháng 6/2016, Bộ Công an đưa Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố tại Việt Nam.
Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Điềm chỉ đạo các thành viên cốt cán, tổ chức móc nối phát triển lực lượng, huấn luyện, đào tạo, xâm nhập về Việt Nam cung cấp tài chính, kích động biểu tình…
Cụ thể, Điềm chỉ đạo Khảm (gia nhập “Việt Tân” từ năm 2010) tổ chức tham dự họp cơ sở 1 lần/tháng với tư cách đại diện cơ sở đảng bộ Sydney kiêm Bí thư Đảng bộ Úc Châu; có mặt tại các buổi gây quỹ nhằm hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động trong nước, tham gia các cuộc biểu tình chống Việt Nam…
Khảm dùng giấy tờ tùy thân của người khác xâm nhập vào Việt Nam cung cấp tài chính, tuyên truyền đường lối cho đảng viên mới. Điềm lôi kéo Viễn tham gia tổ chức rồi bố trí việc làm, thủ tục xuất cảnh sang Campuchia.
Tương tự, Quyền tham gia Việt Tân từ tháng 9/2018 và đã thuê người làm hai chứng minh nhân dân giả cho hai thành viên “Việt Tân”; sang Campuchia học lớp huấn luyện, nhận tiền để bố trí việc làm cho những người khác trong tổ chức.
Riêng các bị cáo: Bùi Văn Kiên, Nguyễn Thị Ánh, Trần Thị Nhài thì đã có hành vi làm giả 7 chứng minh nhân dân, 6 bộ hồ sơ xin việc, hưởng lợi tổng cộng 5,7 triệu đồng.
Theo cáo trạng, trong vụ án này, Đỗ Hoàng Điềm và một số đối tượng liên quan đang ở Mỹ nên Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau./.
Theo VOV.VN