Bà Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) nhận 2 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Trong bản án tuyên sáng nay, TAND tỉnh Hà Giang phạt ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) một năm tù treo về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Triệu Thị Chính. Ảnh: Phạm Dự
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo) nhận mức phạt cao nhất trong vụ án - 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356. Cùng tội danh, Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng) bị phạt 7 năm tù.
Bị cáo Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh) bị phạt 2 năm về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điều 366.
Bị cáo Vũ Trọng Lương đến tòa trong sáng 25/10. Ảnh: Phạm Dự.
Trong 4 ngày mở phiên tòa (15-18/10), VKS nhận định các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn, có thời gian công tác nhiều năm, am hiểu rất rõ các quy định, quy chế của ngành giáo dục song không gương mẫu chấp hành.
VKS thấy có đủ căn cứ xác định từ 30/6 đến 2/7/2018, bị cáo Lương sao chép đáp án đúng đã được tải về và dán vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong các thí sinh, người được nâng nhiều nhất tới 29,95 điểm (4 môn thi trắc nghiệm), người ít nhất là một môn với 2,2 điểm.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị dẫn giải đến tòa. Ảnh: Phạm Dự.
Cựu phó giám đốc Phạm Văn Khuông, là người công tác trong ngành giáo dục lâu năm, lại từng là chủ tịch hội đồng thi, ông phải nắm rõ quy trình, quy chế nhưng lại nhờ Hoài "giúp đỡ cho cháu" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Kết quả, con trai ông Khuông được nâng 13,3 điểm.
Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Triệu Thị Chính đã nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh và xem điểm cho một em; thống nhất số điểm cần nâng với cựu trưởng phòng Hoài.
Cơ quan công tố nhận định trong quá trình điều tra không thu thập được chứng cứ để chứng minh "có yếu tố vụ lợi trong vụ án". Bị cáo Hoài, Lương khai giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân. Các phụ huynh không ai khai có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm.
Đây là vụ án thứ 2 trong ba vụ gian lận điểm thi THPT 2018 bị phát hiện và đưa ra xét xử. Vụ 8 người sửa điểm thi ở tỉnh Sơn La được xét xử giữa tháng 10 song tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ. Bốn ngày sau, một hiệu phó và một phụ huynh đã bị khởi tố về các tội danh này.
Vụ án nâng điểm thi tại tỉnh Hòa Bình đang ở giai đoạn truy tố và là vụ án đầu tiên khởi tố tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ, bên cạnh tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo VnExpress