Sáng nay 9/10, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc gửi lời xin lỗi tới 3 người đàn ông dính án oan cách đây gần 40 năm.
Sáng 9/10, hội trường UBND xã Đồng Thịnh (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) chật kín người. Nhiều người dân đến để nghe lời xin lỗi từ VKSND tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới ba người đàn ông dính án oan sai gồm: Trần Ngọc Trinh, Trần Chung Thám và Khổng Văn Đệ. Cách gần 40 năm, ba người họ bị bắt oan với cáo buộc giết người.
Người nhà ôm di ảnh ông Trần Chung Thám và ông Trần Ngọc Trinh, ông Khổng Văn Đệ trong ngày nhận lời xin lỗi từ VKS tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong ba người đàn ông nhận lời xin lỗi, có ông Trần Chung Thám đã chết. Ngồi ở vị trí trung tâm của hội trường, bà Trần Thị Thắm cầm trên tay di ảnh chồng, mắt đượm buồn khi người đàn ông của cuộc đời mình không thể sống tới ngày được minh oan.
Trên bục phát biểu, anh Trần Văn Mạnh (con ông Thám) liên tục đưa tay lên gạt nước mắt. “Trong lúc này, tôi muốn gửi nén tâm nhang đến cha mình – ông Trần Chung Thám - người đã mang xuống mồ nỗi oan ức về cái chết chưa được phơi bày thực sự”, anh Mạnh nói.
“Đã gần 40 năm kể từ ngày bố tôi vướng vòng lao lý, mang tội giết người, những ký ức về chuỗi ngày đắng cay tủi nhục lại hiện về trong tâm trí của mẹ tôi, của những đứa con côi cút bóng cha là anh chị em chúng tôi.
Những tháng ngày cha bị bắt mang danh kẻ giết người, chúng tôi sống trong ánh nhìn ghẻ lạnh của người đời. Gia cảnh nghèo khó khiến chúng tôi phải bỏ học giữa chừng, mẹ kiếm sống lay lắt qua ngày nuôi chúng tôi khi không có bóng cha. Nỗi đau nghiệt ngã chưa dừng lại ở đó khi cha tôi bị chết không rõ lý do sau gần ba tháng bị tạm giam, ông ra đi mang theo nỗi oan ức lớn. Không một lời nào diễn tả bi kịch oan nghiệt của gia đình”.
Ông Khổng Văn Đệ - người năm nay đã 98 tuổi cũng không còn đủ minh mẫn để lên phát biểu. Ông phải nhờ con trai của mình đứng lên nói thay những lời gan ruột.
Là người duy nhất tự lên bục chia sẻ, ông Trần Ngọc Trinh nói hôm nay là ngày đặc biệt trong cuộc đời mình – người mà theo ông là đã “gần đất xa trời”, sống trong tận cùng của nỗi đau oan nghiệt. Vừa nói, ông Trinh vừa đưa tay lên dụi mắt.
Quãng thời gian gần 3 năm bị giam giữ oan trái, với ông Trinh là những ký ức kinh hoàng không thể nào quên. "Mang trong mình nỗi oan tày đình là kẻ giết người, kêu không ai thấu, tuyệt vọng hoàn toàn và không lối thoát, nhiều lần đớn đau về thể xác không chịu được tôi đã nghĩ đến cái chết", ông Trinh chia sẻ.
Theo ông Trinh, việc liên ngành tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai minh oan cho các bị hại trong vụ án, dù muộn nhưng cũng đã trả lại công bằng cho các gia đình.
Hội trường UBND xã Đồng Thịnh chật kín người.
Đại diện đọc lời xin lỗi công khai, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Khương Tuyến thừa nhận cơ quan này đã có những "sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn".
VKS mong gia đình ba người bị bắt oan chấp nhận lời xin lỗi và "thông cảm cho các cơ quan công tố thời bấy giờ là tỉnh Vĩnh Phú (cũ, đã tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ)". Nhà chức trách sẽ kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các cá nhân để xảy ra sai phạm.
Cũng theo ông Tuyến, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã mất gần 1 năm để lật lại hồ sơ của vụ án, trước khi đưa ra lời xin lỗi tới những người bị oan sai. Các bên liên quan cũng đang phối hợp nhằm bồi thường xứng đáng cho cả người đã khuất và còn sống về những gì mà họ phải gánh chịu trong nhiều năm qua.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ án mạng. Nạn nhân là ông Chu Văn Quản (bí thư chi bộ thôn). Một ngày sau, Công an huyện Lập Thạch (cũ) ra quyết định khởi tố vụ án.
Ngày 3/3/1980, ông Trinh và ông Thám bị khởi tố, bắt giam. Hai tháng sau khi bị bắt giữ, ông Thám chết với lý do mắc bệnh kiết lỵ. Tháng 4/1980, tới lượt ông Đệ và Nguyễn Đình Ký bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc giết người.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phú sau đó xác định chỉ có một mình ông Ký gây án. Ngày 15/6/1983, Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt tù chung thân. Ngày 18/10/1982, ông Thám được Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu. Ông Đệ cũng được trả tự do vào ngày 10/10/1982.
Dù không phải là kẻ giết người, nhưng sau nhiều ngày bị giam giữ oan sai, cuộc sống của ông Trinh cùng với ông Đệ bước sang một trang hoàn toàn khác. Đó là những tháng ngày đàm tiếu và dèm pha. Không chấp nhận với điều đó, suốt 39 năm, ông Thám và ông Đệ cùng với gia đình làm đơn gửi, yêu cầu được xin lỗi.
Hàng trăm lá đơn được gửi đi, và phải sau 39 năm, vào ngày 3/10, ông Trinh, Thám và Đệ được VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý công khai xin lỗi.
Theo VTC New