Một bị cáo thay đổi lời khai theo hướng "cứu" cựu thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như, nhưng CQĐT và VKS không chấp nhận lời khai này.
Theo kế hoạch, ngày 20, 21 và 22/3, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy thuộc Đội CSGT Công an quận Tân Bình, Công an TP.HCM) và bốn bị cáo khác ra xét xử sơ thẩm lần hai về tội cố ý gây thương tích.
Trước đó, tháng 9/2016, TAND TP.HCM xử sơ thẩm (lần 1) đã tuyên phạt Như, Chung 12 năm tù và 4 bị cáo còn lại các mức án 5/11 năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích.
Từng huỷ án vì điều tra không đầy đủ
Sau phiên toà này, bị cáo Như kháng cáo kêu oan, còn các bị cáo khác xin giảm án. Vợ nạn nhân kháng cáo yêu cầu chuyển tội danh đối với các bị cáo thành tội giết người và yêu cầu không cho bị cáo Như tại ngoại…
Tháng 9/2017, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã huỷ án bản án sơ thẩm này do điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ dẫn đến chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ đối với từng bị cáo.
Như bị bắt tạm giam lại ngày 28/12/2017.
Trước đó Như từng bị bắt giam ngày 7/11/2014, đến ngày 13/2/2015 thì được tại ngoại.
Kết quả điều tra lại và cáo trạng lần 2 xác định: 22h20 ngày 25/6/2014, tại giao lộ Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý, ông Nguyễn Văn Chín bị tổ tuần tra giao thông của Công an quận Tân Bình (TP.HCM) do Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng dừng xe kiểm tra. Do ông Chín có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định nên bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Ông Chín không chịu ký tên vào biên bản và lớn tiếng la lối, chửi lại tổ công tác. 22h55 cùng ngày, Như gọi điện cho Nguyễn Minh Chung “nhờ Chung giúp đỡ”.
Bi cáo Như tại phiên toà trước đây.
Chung gọi điện cho Phạm Thanh Kim Hạnh, Trần Đức Vững, Vững rủ thêm Ngô Thành Vương. Bốn người này sau đó gặp nhau tại khu vực mà ông Chín đã vi phạm, Như chỉ tay cho Chung biết mặt ông Chín và “nhờ đánh dằn mặt”.
Sau đó Chung tiếp cận ông Chín và vờ nói ông Chín ra khỏi nơi làm việc của tổ CSGT để Chung tìm cách lấy xe ra giúp. Đến địa điểm mà Hạnh, Vững, Vương đang phục sẵn, Chung ra hiệu đánh ông Chín. Người xung quanh đến can ngăn nên nhóm này bỏ chạy.
23h32 cùng ngày, Chung gọi điện báo Như đã xong việc Như nhờ.
Gần 24 giờ cùng ngày, một chiến sĩ CSGt cùng tổ công tác với Như hôm đó phát hiện ông Chín đang ngồi ở lề đường Trường Chinh nên nhờ taxi đưa ông về. Trên đường về, ông than đau và nói tài xế taxi đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Đến 4h ngày 27/6/2014, ông Chín qua đời.
Một người thay đổi lời khai
Quá trình điều tra lại, Chung thay đổi lời khai. Chung khai rằng: Như điện thoại nhờ Chung đưa ông Chín về nhà. Chung không biết lý do Hạnh, Vững, Vương đánh ông Chín;
Sau khi ông Chín chết, Như gặp Chung hai lần và khuyên Chung nói hai đàn em của mình ra đầu thú. Lời khai tại lần điều tra lại này phù hơp với lời khai của Chung tại phiên toà phúc thẩm. Chung khai rằng sở dĩ Chung thay đổi lời khai, khai khác với những gì Chung đã trình bày tại phiên sơ thẩm là do Chung nghĩ nếu khai Như có liên quan thì sẽ được xét xử nhẹ tội hơn, nhưng bản án sơ thẩm tuyên án Chung quá nặng.
Trước đó, tại giai đoạn sơ thẩm, Chung khai rằng Như gọi Chung đến đánh dằn mặt ông Chín. Sau khi Như biết ông Chín chết, Như đã đến gặp Chung và đề nghị Chung nhận hết mọi hành vi. Đổi lại, Như sẽ cho Chung 200 triệu đồng, lo cho gia đình của Chung, hằng tháng sẽ thăm nuôi Chung và cho Chung 5 triệu đồng. Hai bên đã nhiều lần gặp nhau tại quán nước và tại nhà của Chung.
Hạnh, Vững giữ nguyên lời khai trước đây, thừa nhận đã cùng Vương đánh ông Chín là do Chung chỉ đạo, sau khi Chung được Như nhờ.
Riêng Như vẫn giữ lời khai có nhờ Chung đến để giúp đỡ đưa ông Chín về. Như không nhờ Chung đánh dằn mặt ông Chín, chỉ nhờ đến kéo ông vào lề đường và gọi xe cho ông về. Như có nói chuyện với Chung tại vị trí tổ công tác nhưng Như không biết nhóm của Chung đánh ông Chín.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhận định: Mặc dù Chung có sự thay đổi lời khai, phù hợp với lời khai của Như nhưng kết quả điều tra đủ căn cứ xác định lời khai ban đầu của Chung là phù hợp với diễn biến vụ án, phù hợp với lời khai của Hạnh, Vững, Vương (tức Như đã nhờ Chung đánh ông Chín). Sau đó Chung chỉ đạo Hạnh, Vững, Vương đánh chết ông Chín. Như có vai trò chủ mưu trong vụ án; Chung là người tổ chức, huy động ba người còn lại từ các địa điểm khác nhau đến hiện trường để đánh ông Chín. Hạnh, Vững, Vương chính là người trực tiếp đánh ông Chín.
Trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm Chung, Hạnh, Vững, Vương thành khẩn khai báo. Hạnh, Vương ra đầu thú. Chung và Vững hợp tác tốt với CQĐT. Tại thời điểm phạm tội, Hạnh chưa là người chưa thành niên (sinh năm 1997) và Vương là học sinh phổ thông (sinh ngày 24/2/1996).Về trách nhiệm dân sự, bà Dương Thị Thảo / vợ của ông Chín yêu cầu bồi thường hơn 3,3 tỉ đồng.
Theo VTC New