Ông Đặng Thanh Bình và các bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN nhìn nhận thiếu sót nhưng cho rằng do lãnh đạo VNCB quá tinh vi.
Chiều 25/6, phiên xử ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, cựu phó thống đốc NHNN) và 4 bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN (đặt tại Ngân hàng Xây dựng - VNCB) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bước vào phần thẩm vấn.
VNCB có nhiều chiêu trò qua mặt Tổ giám sát
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc cơ cấu lại TrustBank (tiền thân của VNCB), Phó thống đốc Đặng Thanh Bình thành lập Tổ giám sát tại nhà băng này.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Bình đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thực hiện không đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình Chính phủ. Các sai phạm của ông Bình và Tổ giám sát đã tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) sử dụng ngân hàng "như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB.
Các bị cáo tại toà. Ảnh: Thành Nguyễn.
Khai trước tòa, các bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN nhìn nhận thiếu sót để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng họ cho rằng nguyên nhân là lãnh đạo VNCB quá tinh vi, thực hiện hành loạt chiêu trò nên khó phát hiện.
Bị cáo Phạm Thế Tuân (62 tuổi, nguyên phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP HCM) khẳng định đã làm hết trách nhiệm. Khi phát hiện VNCB qua mặt, Tổ giám sát đã thống nhất đưa ra các giải pháp tức thời, yêu cầu ngưng ngay các vi phạm, thu hồi các khoản đã cho vay. Đồng thời, những việc làm này cần báo cáo cho các cơ quan thanh tra, lãnh đạo NHNN để có biện pháp xử lý.
Giọng đầy chua chát, ông này cho biết, trong mấy chục năm tham gia hoạt động ngân hàng luôn làm tròn trách nhiệm, chỉnh chu và luôn phấn đấu nên có những thành công nhất định. "Bị cáo không nghĩ đến cuối đời mình lại rơi trúng trường hợp tệ hại thế này. Bởi vì VNCB qua mặt nhiều người, nhiều cơ quan chức năng bằng những thủ đoạn không thể chấp nhận được", bị cáo Tuân nói.
Tương tự, bị cáo Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An) cũng cho rằng cáo trạng truy tố mình chưa đúng vì bản thân đã thực hiện đúng nhiệm vụ được giao như: thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của thành viên và chịu trách nhiệm trước tổ trưởng; tham gia đầy đủ các cuộc họp của tổ giám sát... Khi phát hiện VNCB sai phạm, bị cáo đã báo cáo đầy đủ.
Bị cáo Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An, tổ trưởng tổ giám sát), Hà Tấn Phước (55 tuổi, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) cũng cho rằng đã làm hết khả năng.
Ông Đặng Thanh Bình. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cựu phó thống đốc khai gì?
Là người cuối cùng bị xét hỏi, ông Đặng Thanh Bình nói rằng cáo trạng truy tố mình không đúng. Bởi thông qua Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, ông biết được sai phạm của VNCB do Tổ giám sát đưa lên, từ đó đã có những chỉ đạo kịp thời.
Theo ông Bình, ngoài việc kiến nghị với Cơ quan Thanh tra Giám sát thì Tổ giám sát cũng có thể báo cáo với NHNN Chi nhánh Long An để xử lý sai phạm. Bởi theo Quyết định 12, Thủ tướng đã trao cho NHNN Chi nhánh Long An một kênh thông tin nhanh để nắm bắt tình hình của VNCB thông qua Tổ giám sát. NHNN Chi nhánh Long An được phép đình chỉ tổ chức tín dụng nếu vi phạm nghiêm trọng kể cả đình chỉ các cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật.
Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng khi đồng ý tái cơ cấu theo tờ trình của NHNN, chủ tọa hỏi ông Bình: "Thực tế khả năng tài chính của nhà đầu tư tham gia vào Trustbank (VNCB) có đảm bảo yêu cầu của Thủ tướng không?". Ông Bình cho biết đã phê duyệt đề nghị Cơ quan Thanh tra Giám sát kiểm tra chặt chẽ nguồn vốn đã sử dụng.
Cựu phó thống đốc cũng khẳng định, các báo cáo đều đến cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, qua tham mưu rồi mới tới bị cáo.
HĐXX yêu cầu thư ký phiên tòa triệu tập khẩn cấp Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có mặt lúc 8h ngày mai để làm rõ một số vấn đề quan trọng.
Ngân hàng Xây Dựng tiền thân là Đại Tín – TrustBank do bà Hứa Thị Phấn sở hữu 85% cổ phần. Khoảng tháng 6/2012, ông Danh đại diện nhóm cổ đông Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) mua lại cổ đông của nhóm Phú Mỹ do bà Phấn đại diện.
Ông Danh đưa người vào tiếp quản, điều hành và lên phương án tái cơ cấu ngân hàng. Đầu năm 2013, khi được NHNN chấp thuận về nhân sự, ông Danh tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Khi bà Phấn còn sở hữu, ngân hàng đã âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.000 tỷ. Sau khi ông Danh điều hành nhà băng tiếp tục thua lỗ. Tại thời điểm khởi tố vụ án (giữa năm 2014), vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.000 tỷ.
Theo VnExpress