Lạnh lùng, ráo hoảnh, khi được hỏi, Hoàng Thị Lập (39 tuổi, trú tại khu 21, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) buông thõng một câu: "Không ân hận". Dường như trong người đàn bà này, những yêu thương, tình nghĩa vợ chồng đã không còn mà thay vào đó là lòng thù hận, kết quả của một thời gian dài bị đày đọa, ngược đãi...
Dù Lập có biện minh như thế nào thì hành động nhẫn tâm của người đàn bà đó, lôi kéo cậu con trai 13 tuổi tước đoạt mạng sống của người chồng có gần 20 năm ân nghĩa cũng thật đáng trách. Phía sau bản án giết người là nỗi day dứt về sự xuống cấp của truyền thống gia đình, về đạo lý làm người...
Rúng động làng quê
Gần một tuần trôi qua kể từ khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành thực nghiệm điều tra về cái chết của anh Khổng Văn Tuấn (41 tuổi, trú tại địa chỉ trên), người dân trong xã ai cũng bàng hoàng, sửng sốt khi biết cái chết của anh Tuấn không phải do bệnh lý mà là bị sát hại.
Và người gây nên cái chết cho anh Tuấn chính là người vợ mang tên Hoàng Thị Lập. Đau đớn hơn, cậu con trai mới 13 tuổi của Lập cũng giúp sức cho mẹ trong việc đoạt mạng sống của cha...
Đối tượng Hoàng Thị Lập.
Ở làng trên, xóm dưới, đâu đâu người ta cũng bàn tán xôn xao về động cơ dẫn đến hành vi phạm tội của Lập. Có người cho rằng Lập đã lên kế hoạch từ trước vì muốn chiếm đoạt số tiền bảo hiểm nhân thọ trước đó đã mua cho chồng. Và nếu vụ việc trót lọt, Lập có thể bỏ túi gần 600 triệu đồng tiền bảo hiểm...
Với những người thân trong gia đình nạn nhân Tuấn thì nỗi đau ấy có lẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai. Gặp tôi trong buổi thực nghiệm điều tra, anh cả của nạn nhân Tuấn, ông Khổng Văn Chung già sọm hẳn đi. Nén nỗi đau, ông chia sẻ với tôi: "Đau đớn quá cô ơi! Tôi không bao giờ nghĩ lại có câu chuyện này xảy ra. Cô chú ấy thi thoảng cũng xảy ra bất hòa, xô xát nhưng bát đũa còn có lúc xô, nghĩa là vợ chồng...
Nhưng người mất thì cũng đã mất rồi. Nếu cô ấy biết hối hận (ông Chung nói về Lập) chúng tôi sẵn lòng tha thứ cho cô ấy. Tôi muốn cơ quan Công an xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho cô ấy... "Nói rồi người đàn ông luống tuổi đưa đôi bàn tay chai sần, khẽ chấm những giọt nước mắt lăn ra từ khóe mắt. Còn chị gái của nạn nhân Tuấn thì dường như không chịu được sự mất mát, bà gào thét thảm thiết khi cơ quan Công an cho nói lời cuối với cô em dâu...
Gần 20 năm trước, Lập và Tuấn nên vợ, nên chồng. Nhà Tuấn đông anh em (12 người), Tuấn là con trai thứ 11, còn gia cảnh nhà Lập cũng chẳng khá giả gì nên sau khi kết hôn, hai vợ chồng thân lập thân, Tuấn kiếm sống bằng nghề thợ mộc còn Lập thì tần tảo với công việc đồng áng. Lập là người chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, điều này ở trong làng, ngoài xã ai cũng biết.
Hai sào ruộng của gia đình đều một tay chị quán xuyến, mùa nào thức nấy, ngày nào Lập cũng quần quật trên cánh đồng từ lúc trời tờ mờ sáng cho đến khi tối mịt, làm việc đến sắt người lại. Vào những ngày mùa, còn làm thuê, làm mướn kiếm tiền từ 1h sáng... Mâu thuẫn giữa Lập và Tuấn xuất phát ngay từ sau thời điểm Lập sinh con gái đầu lòng, nguyên nhân bắt nguồn từ việc Tuấn thường xuyên uống rượu.
"Rượu vào lời ra" anh ta lại chửi bới rồi có lúc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ... Cũng vì việc này mà có thời điểm, Lập đã quyết định đi học tiếng Nhật để ra nước ngoài lao động. Song đúng vào thời điểm hoàn tất thủ tục ra nước ngoài lao động thì chị ta phát hiện mình mang thai cậu con trai thứ hai.
Những tưởng khi có cậu con trai nối dõi tông đường, quan hệ vợ chồng Lập, Tuấn sẽ được cải thiện hơn, nhưng mọi sự vẫn không có chiều hướng thay đổi. Tuấn sau khi uống rượu vào vẫn tiếp tục chửi bới, xúc phạm vợ con... Anh ta không thể ngờ rằng hành động vũ phu và lời nói cay nghiệt của mình lại để lại những tổn thương cho người vợ; sự ám ảnh nặng nề trong tâm trí của cậu con trai. Cháu V vì thế gần gũi với mẹ hơn, nhất nhất mọi việc đều làm theo sự chỉ đạo của mẹ.
Còn về Lập, với suy nghĩ thiển cận của một người đàn bà quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chị ta không thể hiểu rằng những lời tâm sự, hành động và sự chì chiết với người chồng, mỗi khi tâm sự với cậu con trai lại gieo rắc vào đầu óc của một đứa trẻ sự ác cảm với người cha đẻ.
Ngày 20-4, Công an huyện Lâm Thao nhận được thông tin về cái chết bất thường của nạn nhân Tuấn. 17 ngày ròng rã kể từ sau khi nhận tin cho đến thời điểm khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng Hoàng Thị Lập (ngày 9-5), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ và Công an huyện Lâm Thao đã tốn rất nhiều công sức.
Có những lúc, các điều tra viên tưởng như họ đi sai hướng do sự bình thản đến lạnh lùng của Lập và con trai. Sau khi gây án, cả hai không có biểu hiện gì bất thường về tâm lý; các lời khai trong quá trình làm việc với cơ quan Công an đều trùng khớp. Song bằng sự tác động về tâm lý, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ chân tướng sự việc, bắt kẻ phạm tội phải trả giá cho hành vi tội phạm đã gây ra.
Đối tượng Lập tại cơ quan Công an.
Quá trình điều tra xác định, vào sáng 20-4, Lập trở dậy thì thấy chồng đang ngồi hút thuốc lào ở giữa nhà. Một vài câu nói qua lại, giữa vợ chồng lại xảy ra cãi vã. Vốn bực tức từ trước, Lập kể lại câu chuyện với con trai, khi đó đang ở phòng ngủ ở trên tầng hai. Khi nghe câu nói của mẹ, V hiểu rằng mẹ muốn cướp đi mạng sống của người cha, bởi trước đó đã không ít lần cậu ta được nghe câu nói ấy từ miệng của người mẹ...
Vì thế, sau khi Lập ra hiệu, V hiểu ý ngay và cùng xuống tầng một. Vào thời điểm đó, Tuấn đang ngủ say nên chẳng biết gì... Sau khi lên giường, Lập lấy chiếc khăn chuẩn bị trước đó, siết cổ Tuấn; V giúp sức cho mẹ bằng cách giữ chặt người bố đẻ...
Sau khi gây án, Lập cùng con trai tạo chứng cứ ngoại phạm hòng che đậy hành vi phạm tội của chị ta. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cùng những tài liệu và chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, làm rõ vụ án. Đến lúc này thì chẳng ai ngờ rằng một phụ nữ gầy gò lại có thể đang tâm cướp đi mạng sống của chồng mình.
Lời khai lạnh lùng
Khi chúng tôi đến trụ sở Công an tỉnh Phú Thọ, Lập vừa trở về sau buổi thực nghiệm điều tra. Nhìn người đàn bà nhỏ bé, gầy gò, nét mặt khắc khổ, đậm chất quê mùa, chẳng ai nghĩ con người này dám cầm khăn siết cổ chồng. Vậy mà chị ta đã làm việc đó.
Không một giọt nước mắt, sự ân hận dù chỉ là một chút thoáng qua cũng không thấy xuất hiện trên nét mặt, Lập câm lặng ngồi chờ điều tra viên làm việc với mình. Tranh thủ lúc chị ta chưa viết lời khai, chúng tôi hỏi:
- Giờ chị có ân hận không?
- Không.
Câu nói buông thõng của Lập khiến chúng tôi sững sờ. Đáp lại cái nhìn ngạc nhiên của chúng tôi, Lập tỏ ra bình thản. Đôi mắt ráo hoảnh, Lập lại ngồi im chờ đợi.
- Chị không dám bỏ chồng vì nghĩ đến các con. Vậy tại sao chị lại lôi kéo con trai vào việc làm tội ác của mình?
Im lặng.
Thực sự là khi nghe Lập đáp gọn lỏn một từ "không", chúng tôi cảm nhận ở người đàn bà này có một sự chịu đựng đủ dài đến khi hận thù không thể kìm nén được nữa. Ý nghĩ giết chồng có thể là thoáng qua nhưng nó là hậu quả của một thời gian dài chịu sự đày đọa, ngược đãi của người chồng.
Không chỉ mình Lập nhẫn nhục mà ngay cả những đứa con trong nhà cũng phải hứng chịu. Sự dồn nén, lòng thương xót mẹ và cả sự oán giận bố cứ tích tụ đến lúc bùng phát mà đỉnh điểm là câu nói lạnh lùng đến đáng sợ được buột ra miệng một đứa trẻ mới 13 tuổi.
"Khoảng 4h sáng cháu đang ngủ thì tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng hút thuốc lào của bố. Sau đó cháu thấy bố mẹ cháu chửi nhau, khoảng 10 phút sau thì mẹ cháu lên phòng cháu nằm và nói với cháu: thằng chó nó vừa đánh mẹ. Cháu nói "thế á" rồi cháu nói tiếp với mẹ cháu: "Hay là đập chết mẹ nó đi". Sau đó mẹ cháu nói: "Hôm nay mẹ cho thằng này đi". Rồi mẹ cháu bảo cháu: "Tí V nghỉ học, xong hai con xuống xử thằng nát". Cháu đồng ý và trả lời: "Ừ".
Trước câu hỏi của điều tra viên về lý do làm sao lại nói câu. "Hay là đập chết mẹ nó đi" với mẹ, cậu bé viết: "Cháu yêu thương mẹ cháu hơn bố. Cách hôm bố chết khoảng 1 tuần, bố cháu lục két lấy đi 2 triệu tiền của mẹ cháu rồi đem đi đâu, làm gì cháu không biết. Bố cháu hay chửi chị cháu nhiều lần, trong đó có 2 lần bố cháu chửi chị đến mức chị cháu bị ngất. Bản thân cháu cũng hay bị bố chửi. Hằng ngày bố hay uống rượu xong là đánh chửi mẹ cháu. Cháu thương mẹ cháu hơn bố. Mọi việc cháu đều làm theo ý mẹ cháu".
Những lời khai trong bản tường trình của cậu con trai 13 tuổi khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Tại sao một cậu bé mới bắt đầu bước vào tuổi lớn lại có ý nghĩ tàn bạo đến vậy đối với cha đẻ của mình. Liệu đó có phải vì cậu ta quá xót thương mẹ, thấy mẹ lao động vất vả, khổ sở mà vẫn bị bố đánh chửi nên khi nghe mẹ nói bị bố đánh, cậu đã không kiềm chế được giận dữ.
Hẳn là ngoài sự xót thương mẹ ra, thì cách hành xử thô bạo của người bố đối với con cái đã khiến cho sự thù hận trong lòng cậu bé này cứ ngày một tích tụ, âm ỉ và dai dẳng đến khi không kìm nén được thì bật ra như một phản xạ tự nhiên, khó kiềm soát.
Do tuổi còn nhỏ nên cậu con trai của Lập được giao về cho gia đình quản lý, còn người vợ bị bắt tạm giam để củng cố hồ sơ. Không hiểu những ngày trong trại tạm giam, người đàn bà này có nhìn nhận lại việc làm tội lỗi của mình. Hay chị ta vẫn cho rằng việc đoạt mạng sống của chồng là lựa chọn duy nhất để giải thoát khỏi cuộc sống vợ chồng ngột ngạt mà không ảnh hưởng đến con cái.
Câu nói "không ân hận" của Lập khiến chúng tôi cảm thấy xót xa cho thân phận một người phụ nữ chỉ vì những ấm ức dồn nén không được giải tỏa đã chọn cách làm tiêu cực để rồi con cái và gia đình chịu tai tiếng.
Theo Xuân Mai
Cảnh sát toàn cầu