Trong vòng một năm, Phạm Thanh Hải đã huy động hơn 2.700 tỷ đồng từ hàng trăm người, lấy tiền người sau trả cho người trước.
Trong hai ngày 16 và 17/5, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải (52 tuổi, tiến sĩ vật lý, chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.
Hàng trăm người được xác định là bị hại có mặt tại phiên xử bị cáo Hải.
Bị cáo Hải tại tòa sơ thẩm.
Theo cơ quan công tố, IDT là công ty hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý, sản xuất buôn bán lẻ thực phẩm... do Hải làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.
Sau khi IDT hoạt động kinh doanh trên mạng Internet không có hiệu quả, do cần tiền trang trải chi phí và phục vụ mục đích cá nhân, từ năm 2008, Hải huy động vốn từ nhiều người.
Hải dùng danh nghĩa công ty để giới thiệu, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư góp vốn; đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội hoclamgiau.vn và tự giới thiệu bản thân là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên bang Nga, có tài đầu tư, kinh doanh…
Ông ta khoe, IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “Tỷ đô”… Để chứng minh tính khả thi của dự án, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40%-50%/năm), cắt lãi ngay khi nộp tiền (dù chưa có hoạt động kinh doanh), đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2% đến 10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Hải chỉ đạo một số nhân viên kế toán công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền và đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư... Ngoài việc ký kết giữa các cá nhân với mình, trong hợp đồng, Phạm Thanh Hải còn sử dụng con dấu của công ty IDT với tư cách là Tổng giám đốc để các nhà đầu tư tin tưởng.
Từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, Hải đã huy động trên 2.700 tỷ đồng. Sau khi có tiền, Hải sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc - lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án… để tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động vốn của nhiều người.
Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án (114 tỷ đồng). Tuy nhiên, các dự án này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hải hứa hẹn...
Theo cơ quan công tố, dù huy động lượng tiền lớn của rất nhiều người nhưng Hải không quản lý việc thu, chi; không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn… Càng về sau số lượng người nộp tiền càng nhiều với số lượng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng mà Hải phải trả lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ông ta tiếp tục dùng thủ đoạn trên huy động vốn của những nhà đầu tư mới, lấy tiền người sau để trả cho người trước, tránh hệ thống bị đổ vỡ.
Phòng xử rộng nhất tòa Hà Nội chật cứng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cùng các bị hại.
Theo cáo buộc, nhiều người nộp tiền khẳng định nếu biết việc đầu tư cho cá nhân Hải thì họ không đồng ý tham gia. Có người, sau khi ký hợp đồng chưa nhận được tiền lãi như cam kết. Tuy nhiên, có nhóm bị hại khác lại từ chối làm việc với cơ quan điều tra, thậm chí có đơn đề nghị cho Hải tại ngoại.
Tuy nhiên, theo công bố danh sách, hiện có 508 người ủy quyền cho 490 người làm đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi số tiền 594 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Tòa án xác định những người này là bị hại của vụ án.
Trước tòa, bị cáo Hải khai không nhớ đã thu bao nhiêu tiền của những ai. Ông ta vẫn cho rằng, đến năm 2018, dự án “học làm giàu” có khả năng sinh lời tỷ đô la.
Trong phần thẩm vấn, một số người có ý kiến cho hay “họ không tố cáo, ông Hải không lừa đảo, vì sao họ lại có tên trong danh sách bị hại”. Song có nhiều người tới tòa, mong được Hội đồng xét xử "lấy lại tiền" mà họ tích cóp, vay mượn để nộp vào công ty của Hải.
Phiên tòa kéo dài đến ngày 21/5.
Theo VnExpress