Hơn 20 năm qua, bà Hằng làm đơn gửi khắp nơi vì cho rằng mình bị ngồi tù oan khi không buôn người như bản án kết luận.
Ngồi lật từng tờ tài liệu và những lá đơn kêu oan nhàu nhĩ theo thời gian, bà Đỗ Thị Hằng (65 tuổi, thành phố Bắc Giang) bảo "còn sống ngày nào sẽ đi kêu oan ngày đó".
21 năm trôi qua nhưng ngày bị bắt về tội Mua bán phụ nữ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn in đậm trong tâm trí bà. Gần 10 năm là giáo viên cấp 3, vì lý do sức khỏe nên bà nghỉ việc. Sau thời gian dài chữa bệnh ở Hà Nội, năm 1992, bà về Bắc Giang đi xách hàng thuê cho người hàng xóm Phạm Văn Ngọ.
Bà kể, được vài chuyến hàng thì bị ông này lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông ở đảo Hải Nam. Tết Nguyên đán năm 1993 bà được Công an Trung Quốc giải cứu và đưa về Việt Nam.
Ngày trở về, bà Hằng tìm đến nhà ông Ngọ “đòi lại công bằng nhưng gia đình ông này xin đừng tố cáo và hứa sẽ bồi thường”. Nữ cựu giáo viên cấp ba xuôi lòng, trở lại làm ăn bình thường.
Một ngày giữa tháng 10/1997, bà Hằng bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt vì nghi đồng phạm với ông Ngọ lừa bán chị Dương Thị Liễu sang Trung Quốc.
Bà Hằng liên tục kêu oan nhiều năm. Ảnh: Phạm Dự.
Phiên toà không có bị hại, nhân chứng
Ngày 24/3/1998, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hằng về tội Mua bán phụ nữ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.
Bản án sơ thẩm nhận định, tháng 9/1994 nhân lúc chị Liễu bỏ nhà đi do mâu thuẫn với chồng, bà Hằng, ông Ngọ và một người nữa đã lừa bán chị sang Trung Quốc với giá 1,2 triệu đồng. Cựu giáo viên được chia 400.000 đồng. Khi ông Ngọ và đồng phạm bị đưa ra xét xử, bà Hằng trốn sang Trung Quốc và bị bắt sau đó theo lệnh truy nã.
Cũng theo bản án, năm 1994, bà Hằng lừa anh Phan Văn Phương (hàng xóm) 20 kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng song không trả.
Tại phiên toà sơ thẩm, bị hại và nhân chứng đều vắng mặt. Bị cáo chối tội và khai rằng khi ký xác nhận bà không được đọc lại bản cung. Toà bác bỏ lời khai này và tuyên phạt bà Hằng 5 năm 6 tháng tù cho hai tội danh.
Nạn nhân viết đơn kêu oan cho hung thủ
Đúng 10 năm sau ngày trả tự do, bà Hằng được người bạn tù cho biết chị Liễu đã từ Trung Quốc trở về. Lúc qua nhà chị này, hai người ngơ ngác bởi không hề quen biết nhau trước đó. "Liễu khẳng định tôi không phải là thủ phạm lừa bán chị sang Trung Quốc”, bà Hằng nhớ lại và cho biết, nạn nhân đã viết đơn kêu oan cho bà ngay hôm đó. Đơn có hàng xóm làm chứng và xác thực của chính quyền địa phương.
Ngày 19/8/2014, TAND Tối cao ra quyết định huỷ bản sán sơ thẩm năm 1998 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại. Hai năm sau, ngày 24/2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Trả lời VnExpress, chị Liễu cho biết, trước khi bị lừa bán sang Trung Quốc chưa hề gặp bà Hằng. Người đưa chị sang Trung Quốc là ông Ngọ và một người khác.
“Khi đến nước bạn tôi cũng gặp một phụ nữ cũng tên Hằng nhưng chị đó trẻ và xinh xắn hơn”, chị nói và cho biết đã nhiều lần khai với cơ quan điều tra rằng bà Hằng không phải là người bán mình sang Trung Quốc như tòa kết án.
Hy vọng được minh oan
Bà Hằng bảo, nếu mình không tù tội, các con sẽ chẳng bị sa ngã như bây giờ. Người chồng cũng không tự tử đúng ngày bà bị đưa ra xét xử. “Hai vợ chồng chẳng kịp nói với nhau lời cuối cùng, nhưng tôi biết ông ấy khó mà chấp nhận một người vợ mang bản án buôn người”, bà Hằng trầm giọng.
Từ ngày bố chết, mẹ bị bắt, năm người con của bà sau đó đều bỏ học. Con gái thứ ba lang thang rồi nghiện ma tuý, nhiễm HIV. "Hai thằng con “vào tù ra tội” liên tục bởi cứ ai mỉa mai về chuyện của bố mẹ là chúng vung dao chém”, bà tâm sự.
Giọng đượm buồn, bà nói “mình chịu khổ cả đời cũng được” nhưng không thể chết trong sự oan ức để con cháu suốt đời xấu hổ vì mẹ. Trong tháng 4 này, Bộ Công an đã gửi giấy mời bà tới làm việc về vụ án nên bà hy vọng với mọi việc sẽ được làm sáng tỏ.
Luật sư Quách Thành Lực, người trợ giúp pháp lý cho bà Hằng, cho rằng: Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự của Công an tỉnh Bắc Giang là trái pháp luật. "Không có quy định nào tạm đình chỉ vụ án vì lý do “chờ kết quả yêu cầu tương trợ tư pháp từ Trung Quốc. Bị hại trong vụ án là chị Liễu đã trở về và khẳng định bà Hằng không phải thủ phạm, đây là bằng chứng quan trọng nhất trong vụ án cần được làm rõ", luật sư nêu quan điểm.
Theo Phạm Dự/VnExpress