BGTV - Chuyên mục " Luật sư của bạn" nhận được câu hỏi: Ông, bà có thể thay cha mẹ đi đăng ký khai sinh cho cháu được không? Nếu ông bà đi đăng ký khai sinh cho cháu thì mang theo giấy tờ gì, cha mẹ có phải làm giấy ủy quyền cho ông bà không?
Về vấn đề bạn đọc hỏi Luật sư Bùi Thúy Hằng,Giám đốc - Công ty luật TNHH Kim Phát (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) trả lời như sau:
Luật sư Bùi Thúy Hằng |
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định người có trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:
“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
Như vậy, trong trường hợp vợ chồng bạn không đi đăng ký khai sinh được cho con thì ông bà đều có thể thay mặt vợ chồng bạn đi đăng ký khai sinh cho cháu được. Khi ông bà đi đăng ký khai sinh cho cháu thì cần mang theo căn cước công dân và Giấy chứng sinh bản gốc của cháu bé.
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:
“2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, người được ủy quyền đi đăng ký khai sinh cho con bạn là ông bà của cháu thì không phải bắt buộc làm giấy ủy quyền đi đăng ký khai sinh, nhưng phải thống nhất với vợ chồng bạn về các nội dung khai sinh sau:
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày quy định về các nội dung khai sinh như sau:
“Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:
1. Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
2. Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.”
Nội dung đăng ký khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP gồm các nội dung sau:
“1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;
b) Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịchvà Nghị định này;
d) Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
đ) Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch.”
Như vậy, cha mẹ cần phải thống nhất với ông bà của cháu trước khi ông bà đi đăng ký khai sinh hộ các thông tin về họ, chữ đệm, tên và dân tộc của con. Ngoài ra, các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật ở trên.
Ngoài việc đi đăng ký khai sinh trực tiếp thì bạn có thể đăng ký khai sinh trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.gov.vn). Việc thực hiện đăng ký khai sinh trực tuyến bạn phải đăng ký tài khoản và làm theo hướng dẫn, mọi yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ hoặc thông báo hồ sơ của bạn đã có kết quả sẽ được trả lời vào Email của bạn. Khi bạn hoặc ông bà của cháu đi nhận kết quả (bản chính giấy khai sinh) thì phải mang theo Giấy chứng sinh bản gốc để nộp cho cơ quan cấp Giấy khai sinh cho con bạn.
Duy Phách