BGTV - Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Luật sư có thể cho biết những vấn đề pháp lý cụ thể mà nhà đầu tư nước ngoài cần quan trước khi thực hiện một dự án đầu tư tại các địa phương của Việt Nam là gì?
Về vấn đề này, Luật sư Đinh Trọng Khôi - Công ty Luật TNHH Prolaf (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) trả lời như sau:
Luật sư Đinh Trọng Khôi |
Về nguyên tắc, một dự án đầu tư kinh doanh của một nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan. Trong đó, Luật Đầu tư năm 2020 là một văn bản có tình pháp lý chung để hướng dẫn nhà đầu tư về trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư. Ở nội dung trao đổi lần này, tôi sẽ tập trung chia sẻ một số nội dung liên quan đến phương thức thực hiện dự án đầu tư chủ yếu đối với nhà đầu tư.
Theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020, Nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư thông qua các hình thức như sau: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. Trong đó, các hình thức đầu tư phổ biến hiện nay là phương thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế và đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
*Phương thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
Theo đó, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hơn nữa, Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư.
- Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện theo quy định tại Điều 30 (thẩm quyền của Quốc hội), Điều 31 (thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), Điều 32 (thẩm quyền của UBND cấp tỉnh) Luật Đầu tư;
- Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư;
- Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện theo quy định tại Điều 34, Điều 35, Điều 36 Luật Đầu tư;
- Về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 40 Luật Đầu tư; Điều 34, Điều 35, Điều 36 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
- Về mẫu biểu thực hiện các dự án đầu tư, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 25/2023/TT-BKHĐT ngày 31/12/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
*Phương thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:
Theo quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế đồng thời đáp ứng các quy định, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư; phải bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư; phải đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
- Về hình thức góp vốn và mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư. Cụ thể:
+ Hình thức góp vốn thông qua việc: Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại hai trường hợp trên.
+ Hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức: Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc ba trường hợp trên.
- Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư, Điều 66 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, xu thế trong thời gian tới, các nhà đầu tư có thể thực hiện dự án thông qua phương thức: Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC (Thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Luật Đầu tư) hoặc Đầu tư thông qua các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Duy Phách