BGTV-Trong thời gian vừa qua, không ít vụ án hình sự được đưa ra xét xử với tội danh "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", "vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó không ít tài sản của nhà nước được chuyển nhượng bằng hợp đồng mua bán. Vậy cho tôi hỏi: khi nào thì bắt buộc phải đấu giá, đấu thầu? Loại tài sản nào phải đưa ra đấu giá, đấu thầu?
Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Giám đốc Công ty Luật TNHH Intelico giải đáp về vấn đề này như sau:
Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan |
1. Các loại tài sản bắt buộc phải đưa ra đấu giá tài sản
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đấu giá tài sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật Đấu giá tài sản.
Căn cứ Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016, một trong những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:
a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;
c) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;
đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
h) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
i) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
k) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
l) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
m) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
n) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
o) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
2. Các trường hợp bắt buộc phải đưa ra đấu thầu
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp;
Căn cứ điều 2 luật Đấu thầu 2023, Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để: Thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác; Cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua hàng dự trữ quốc gia, thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, trừ hoạt động mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; Thực hiện các công việc khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật có liên quan;
Hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện: thứ nhất, các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thứ hai, gói thầu trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, máy móc, thiết bị hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.
Hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh gồm: Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; Dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định những dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm:
- Dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm theo quy định của pháp luật về giao thông hàng hải và đường thủy nội địa;
- Dự án công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, trừ trung tâm điều hành hàng không của các hãng hàng không trong nước tại cảng hàng không, sân bay;
- Dự án công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ gồm các khu chức năng hỗn hợp phục vụ mục đích công cộng và mục đích kinh doanh thương mại;
- Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình nguồn cấp nước, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
- Dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, gồm:
+ Dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa, trừ dự án quy định tại điểm b, điểm g Nghị định 23/2024/NĐ-CP;
+ Dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó theo quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Như vậy, Nghị định 23/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
3. Một số tội danh vi phạm quy định về đấu giá, đấu thầu gây thiệt hại tài sản Nhà nước
Các tội như "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", "vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"… là một trong những tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Chủ thể của tội phạm này là những người có chức vụ, quyền hạn có quyền quyết định đối với phạm vi quyền hạn mà mình được giao (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước). Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, xâm phạm vào việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước. Xâm phạm tới hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh quốc gia.
Duy Phách