Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, trong đó nghiên cứu gắn vòng đeo tay hoặc đeo chân theo dõi người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Công an Đà Nẵng khởi tố và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can - Ảnh: H.B.
Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là dự luật được sửa đổi từ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành.
Bổ sung quy định thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
Đáng chú ý, dự luật đã mở rộng, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bộ Công an cho hay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã nêu rõ cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.
Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định, trong đó có nghĩa vụ chịu sự quản lý, theo dõi của chính quyền cấp xã hoặc đơn vị quân đội.
Tuy nhiên thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập như chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý.
Thực tiễn đã xảy ra các đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã.
Chính vì vậy, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cần thiết phải bổ sung quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ thi hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trách nhiệm của UBND cấp xã, công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, theo dõi người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Về việc lao động, học tập của người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Áp dụng biện pháp giám sát điện tử phòng ngừa người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành biện pháp giám sát điện tử.
Biện pháp giám sát điện tử được áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú bằng cách gắn thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) trong thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Việc này để theo dõi quản lý di biến động của các đối tượng, có thể nhận dạng từ xa, theo dõi vị trí của người đó và có một hệ thống tích hợp để giám sát việc tháo, mở thiết bị trái phép.
Góp phần bảo đảm bình yên xã hội
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công an về nội dung này nêu rõ việc gắn thiết bị giám sát điện tử với người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ góp phần phòng ngừa các đối tượng này bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
Cùng với đó, góp phần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, bảo đảm bình yên xã hội.
Bộ Công an thông tin tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, một số nước đã sử dụng thiết bị vòng đeo để thực hiện quản lý người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...
Theo Cục Trại giam và Cục Tạm tha - Bộ Tư pháp Vương quốc Thái Lan, sau 3 năm thực hiện thí điểm triển khai, số đối tượng vi phạm rất ít, được đánh giá có hiệu quả cao, giảm chi phí so với quản lý đối tượng tại trại giam.
Về ngân sách nhà nước chi trả kinh phí khi thực hiện việc đeo thiết bị giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng, theo Bộ Công an gồm chi phí ban đầu khi mua thiết bị giám sát điện tử, chi phí xây dựng trung tâm quản lý giám sát điện tử, chi phí duy trì hoạt động của các thiết bị có liên quan...
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bo-cong-an-de-xuat-gan-vong-deo-tay-hoac-deo-chan-theo-doi-nguoi-bi-cam-di-khoi-noi-cu-tru-20240718114625529.htm