BGTV- Một khán giả ở thị xã Việt Yên gửi câu hỏi: Công ty của tôi và một cá nhân có phát sinh tranh chấp trong quá trình giao dịch. Người này đã lên trang facebook cá nhân và một số hội nhóm để đăng bài nói tôi lừa đảo, quỵt tiền... dùng hình ảnh của tôi và công ty cảnh báo mọi người đừng làm ăn với tôi và công ty tôi nữa. Pháp luật quy định hành vi này xử lý như thế nào? Trong trường hợp này cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình?
Về vấn đề này Luật sư Đinh Trọng Khôi - Công ty Luật TNHH Prolaf ( Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) trả lời như sau:
Luật sư Đinh Trọng Khôi |
1.Hiến pháp 2013 và BLDS năm 2015 có quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là quyền bất khả xâm phạm; việc sử dụng, công khai hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư phải được sự cho phép của người đó. Do vậy, hành vi mà bạn vừa nêu xâm phạm đến hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư, danh dự nhân phẩm, và đó là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh người khác trái phép trên MXH nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có thể bị truy cứu về "tội làm nhục người khác" quy định tại Điều 155 BLHS với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam hoặc "tội vu khống" tại Điều 156 BLHS với mức phạt cao nhất đến 7 năm tù, trong đó việc sử dụng mạng xã hội là một tình tiết định khung tăng nặng.
3. Trong trường hợp hành vi của người này chưa đến mức độ xử lý hình sự thì có thể bị xử lý hành chính. Theo đó, quy định tại Nghị định 15/2020
- Hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
- Hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân thì có thể bị xử phạt với mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải gỡ bỏ bài viết vi phạm pháp luật.
4. Ở góc độ dân sự, bạn có quyền yêu cầu người này bồi thường những thiệt hại do hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, hành vi sử dụng và công khai hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư khi chưa được phép. Ngoài những thiệt hại về vật chất, bạn cũng có thể đòi bồi thường tổn thất về tinh thần với mức tối đa lên tới 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Trong trường hợp này, bạn có thể gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện nơi người này cư trú, để đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự với người này.
Trong trường hợp cơ quan điều tra từ chối khởi tố hình sự do mức độ hành vi chưa đủ để khởi tố, thì bạn có thể đề nghị cơ quan điều tra chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm hành chính; hoặc trực tiếp làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND huyện, Trưởng công an cấp huyện hoặc Chánh Thanh tra sở thông tin và truyền thông nơi người này cư trú, vì những người này có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kể trên.
Ngoài ra, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người này cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại như bên trên tôi đã phân tích.
Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, khi khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn tới các cơ quan chức năng, bạn cần phải thu thập bằng chứng. Ảnh chụp màn hình điện thoại chưa được coi là chứng cứ hợp pháp, nhất là khi đối tượng này thường sẽ xóa bài viết khi được các cơ quan chức năng liên hệ. Do vậy, bạn có thể nhờ các tổ chức thừa phát lại để lập vi bằng đối với các bài viết trên facebook, củng cố chứng cứ cho mình trước khi gửi đơn đến cơ quan chức năng.
Duy Phách