BGTV- Ở thời điểm hiện tại, thời tiết mùa hè nắng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hỏa hoạn, cháy nổ đối với các công trình. Đặc biệt là các khu nhà trọ, nhà cho thuê tăng cao, nhiều vụ cháy nổ tại các khu nhà trọ, chung cư cho thuê đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề về tính mạng, sức khỏe, tinh thần, tài sản của các nạn nhân và thân nhân . Vậy Quy định về điều kiện phòng cháy chữa cháy trong trường hợp cho thuê nhà trọ, xử lý vi phạm như thế nào?
Để hiểu rõ về vấn đề này Luật sư, Nguyễn Thị Phong Lan - Giám đốc Công ty Luật TNHH Intelico- Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời như sau:
Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan |
1. Quy định về điều kiện phòng cháy chữa cháy trong trường hợp cho thuê nhà trọ
Căn cứ quy định khoản 1 Điều 23 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013: “Công trình cao tầng phải có thiết bị chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; phải có phương án thoát nạn, bảo đảm tự chữa cháy ở những nơi mà phương tiện chữa cháy bên ngoài không có khả năng hỗ trợ”. Như vậy, các công trình nhà trọ, nhà cho thuê cao tầng phải được lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, mục 2 Phụ lục V của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy quy định: “Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.” Theo đó, công trình này là đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Theo Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình, người cho thuê nhà phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Cụ thể nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn. Các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy. Chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Các điều kiện này phải được tổ chức thực hiện và duy trì nghiêm minh trong suốt quá trình hoạt động.
Bên cạnh những quy định phòng cháy chữa cháy cho nhà trọ, chủ nhà trọ và người thuê cũng phải tuân thủ và có ý thức, trách nhiệm như sau:
- Tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở tất cả mọi người nâng cao tinh thần thực hiện đúng quy định về phòng cháy chữa cháy.
- Lắp đặt các bình chữa cháy, các thiết bị phòng cháy, nổ như búa thoát hiểm, thang thoát hiểm, biển báo thoát hiểm…
- Phối hợp với các ban ngành, nhà dân ở khu vực xung quanh để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát sinh cháy nổ.
- Tham gia các lớp tập huấn để biết về các biện pháp và nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy.
2.2. Về xử lý vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy
* Xử lý vi phạm pháp luật hành chính
Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét các trường hợp, hành vi vi phạm để đưa quyết định mức phạt tương ứng. Căn cứ Điều 51 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy cụ thể như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho nạn nhân bị thương tích hoặc bị tổn hại cho sức khỏe.
* Xử lý vi phạm pháp luật hình sự
Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng pháp luật về về phòng cháy, chữa cháy, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào hậu quả của hành vi, bao gồm mức độ gây thương tích; thiệt hại tài sản để ra quyết định khởi tố Hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 05 năm đến 08 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều luật này nếu không được ngăn chặn kịp thời.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Duy Phách