Đó là 1 trong 4 hình thức lừa đảo phổ biến mà tội phạm mạng thực hiện để chiếm đoạt tiền của người dân.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: CTV
Trung tá Triệu Mạnh Tùng - phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - đã cho biết như vậy tại hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm nay 4-7.
"Lừa đảo qua mạng được xem như là một nghề"
Cụ thể, ông Tùng nhận định tội phạm lừa đảo qua mạng được xem như một nghề mang lại lợi nhuận cao. Đây là điều hết sức nguy hiểm.
Lợi dụng tính ẩn danh, không biên giới của không gian mạng, tội phạm mạng đóng vai là công an, cán bộ thuế, người thân… để tìm cách chiếm đoạt tiền của người dân.
Mặt khác, tội phạm công nghệ cao hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự cấu kết quy mô rất lớn.
Đơn cử, năm 2023, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an Quảng Bình phát hiện đường dây lừa đảo trên mạng với 300 đối tượng.
Những đối tượng này ngồi làm việc trong văn phòng, thậm chí nhân sự còn được học việc 2-3 tháng.
Nhân sự cũng được chia ra các bộ phận hoạt động rất chuyên nghiệp như nhóm chuyên nghiên cứu kịch bản để lừa đảo.
Kịch bản được xây dựng rất đầy đủ với từng câu trả lời, tình huống... Nên khi giả danh là công an, thuật ngữ chuyên ngành mà các đối tượng sử dụng gần như chính xác.
Đặc biệt, với nhóm xử lý dòng tiền, chúng sẽ mua lại các tài khoản của những nhóm chuyên xử lý dòng tiền.
Khi lừa được người bị hại rồi thì có nhóm chuyên xử lý dòng tiền cung cấp tài khoản để nhận tiền.
Chính vì vậy, các đối tượng lừa đảo luân chuyển dòng tiền cực nhanh. Tiền vào tài khoản chỉ sau 1-2 giây là được chuyển đi ngay. Tất cả tài khoản này đều là không chính chủ.
Vì thế, theo ông Tùng, đó là lý do vì sao chúng ta phải quyết liệt triển khai quyết định 2345 để buộc chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải xác thực sinh trắc học.
Lấy nội dung, hình ảnh nhạy cảm để tống tiền
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, theo ông Tùng, tội phạm mạng có rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của người dân. Hình thức lừa đảo có 4 nhóm chính.
Thứ nhất là mạo danh các cơ quan tổ chức, cá nhân có uy tín, người thân, ngân hàng… chiếm 50% hoạt động, phương thức lừa đảo.
Thứ hai là mời gọi đầu tư vào loại hình kinh doanh trên mạng. Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã kêu gọi đầu tư vào sàn vàng, việc nhẹ lương cao, trúng thưởng…
Thủ đoạn này đánh vào lòng tham. Ví dụ như đầu tư vào sàn vàng, chứng khoán quốc tế. "Bọn chúng cho đánh vài hôm, tài khoản tăng lên vài lần nhưng không rút tiền ra được.
Muốn rút được tiền, người chơi phải nộp thêm tiền. Cứ luẩn quẩn như vậy, có vụ có người mất 20-30 tỉ đồng", ông Tùng nói.
Thứ ba là dùng thông tin nhạy cảm để tống tiền. Ông Tùng cảnh báo thời gian qua xuất hiện phương thức thủ đoạn mới, tội phạm sử dụng nền tảng không gian mạng để giao tiếp.
Thường là những cô gái trẻ được phân công việc tìm cách kết bạn với những người có nhu cầu trao đổi về tình cảm.
Sau khi có quan hệ nhất định thì các đối tượng này tìm cách dẫn dụ, trao đổi thông tin, thậm chí gửi những hình ảnh nhạy cảm. Cuối cùng, đối tượng phạm tội dùng chính những clip nhạy cảm này đe dọa và tống tiền, nếu không sẽ gửi cho người thân, lãnh đạo, cơ quan…
"Khi chuyển tiền lần 1, đối tượng tiếp tục đeo bám tống tiền những lần tiếp theo. Do đó, mọi người phải hết sức cảnh giác trước phương thức thủ đoạn này. Thời gian qua có rất nhiều người, có cả người làm trong cơ quan nhà nước bị sập bẫy" - ông Tùng nhấn mạnh.
Hoạt động lừa đảo này rất chuyên nghiệp, có tổ chức và có kịch bản rõ ràng chứ không phải nhỏ lẻ, tự phát.
Thứ tư là lừa cài ứng dụng chứa mã độc hại để chiếm quyền sử dụng tài khoản.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/toi-pham-mang-dung-anh-nhay-cam-de-tong-tien-20240704141219191.htm