BGTV- Khán giả gửi câu hỏi đề nghị Luật sư tư vấn như sau:Tôi vừa mới trở lại công việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, lài lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nên được đến muộn 1 tiếng hoặc về sớm 1 tiếng. Công ty có xe bus đưa đón cho những người ở xa, không có xe bus cho khung giờ đi muộn về sớm, không giảm khối lượng công việc cho lao động đang hưởng chế độ thai sản. Công ty làm vậy có đúng không? Tôi cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình ?
Về vấn đề này, Luật sư Đinh Trọng Khôi- Công ty Luật TNHH PROLAF ( Đoàn luật sư Bắc Giang ) trả lời như sau:
Luật sư Đinh Trọng Khôi |
Lao động nữ, do đặc thù về thể chất và giữ thiên chức làm mẹ, nên pháp luật về lao động rất quan tâm đến quyền lợi của người lao động nữ, khi có hẳn 1 chương quy định riêng về lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới.
Trong đó, bộ luật lao động quy định rõ: lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ ngơi mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và được hưởng nguyên lương.
Do đó, chính sách mà bạn vừa nói áp dụng tại Công ty là để đảm bảo quy định mà tôi vừa nêu trong Bộ luật lao động năm 2019.
Với câu hỏi mà bạn vừa nêu có một số nội dung cần xem xét:
- Thứ nhất, Công ty không giảm khối lượng công việc cho bạn. Điều này là không hợp lý, bởi việc phân công giao việc thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, phía Công ty phải tính toán khối lượng công việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người lao động.
- Thứ hai, việc quy định sắp xếp giờ nghỉ ngơi vào khung giờ cố định là đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều là quyền của người sử dụng lao động, miễn là đảm bảo điều kiện thời gian nghỉ ngơi trong thời gian làm việc và được hưởng nguyên lương. Trường hợp có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì 2 bên phải thỏa thuận với nhau để đảm bảo điều kiện thực tế nơi làm việc.
- Thứ ba, việc không bố trí xe bus đưa đón khung giờ làm đi muộn, về sớm. Luật quy định thời gian người lao động nữ nghỉ 60 phút là để cho con bú, vắt trữ sữa, hoặc để nghỉ ngơi, chứ không phải mục đích là để người lao động được đi muộn về sớm. Hơn nữa, việc bố trí xe bus đưa đón là theo thỏa thuận của các bên, không phải là nghĩa vụ bắt buộc của chủ sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này người lao động cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình?
Về trường hợp của bạn, vấn đề là Công ty giảm giờ làm theo chế độ nuôi con nhỏ, nhưng lại giữ nguyên khối lượng công việc như cũ, theo Luật sư Khôi bạn có thể cân nhắc các phương án như sau:
- Phương án thứ nhất: là đề nghị Công ty giảm khối lượng công việc để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi. Để làm được điều này thì bạn cần phải chứng minh rằng công ty đang bố trí cho bạn khối lượng công việc không hợp lý khi bạn đang hưởng chế độ.
Với những công việc có giao khoán sản lượng thì rất dễ chứng minh, bạn có thể so sánh với các lao động khác cùng tính chất công việc, hoặc thậm chí so sánh với ngay bản thân mình khi chưa được hưởng chế độ.
Tuy nhiên với một số công việc đặc thù không có sản lượng hay số lượng cố định, mà theo mục tiêu công việc thì rất khó để chứng minh. Lúc này bạn có thể cân nhắc theo các phương án sau:
- Phương án thứ 2: là không giảm giờ làm theo chế độ. tức là nếu bạn vẫn phải hoàn thành mục tiêu công việc mà phía Công ty giao thì có thể thỏa thuận với Công ty là không nghỉ 60 phút nữa và sẽ hưởng thêm tiền lương cho khoảng thời gian làm việc này. Cách này thì đã được quy định cụ thể trong Điều 80 của Nghị định 145/2020.
- Trường hợp mà Công ty không giảm khối lượng công việc nhưng cũng không đồng ý trả thêm lương, thì lúc này, theo tôi, bạn cứ tuân thủ đúng thời gian làm việc và nghỉ đúng 60 phút theo chế độ của Công ty, còn bao nhiêu việc bạn báo cáo lại với công ty tự sắp xếp nhân sự đảm bảo công việc. Trong thời gian bạn nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, Công ty không thể xử lý kỷ luật lao động đối với việc bạn không hoàn thành công việc. Kể cả sau thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công ty có xử lý kỷ luật bạn cũng không phải đơn giản, vì phía Công ty phải chứng minh bạn có lỗi mới có thể xử lý kỷ luật bạn được.
Duy Phách